Thứ ba, 14:15, 04/02/2025
THỜI SỰ 12H 4/2/2025: Chính phủ Pháp đứng trước nguy cơ sụp đổ
VOV1 - Ngày 3/2, Thủ tướng Pháp Francois Bayrou đã sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp của nước này để cố gắng thông qua Dự thảo ngân sách 2025, bất chấp lời cảnh báo từ các đảng đối lập sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm, đẩy Chính phủ mới đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Ngay sau khi Thủ tướng Francois Bayrou tuyên bố áp dụng điều 49.3 trong Hiến pháp của Pháp vào ngày 3/2, cho phép Chính phủ thông qua Dự thảo ngân sách 2025 mà không cần có sự chấp thuận của Quốc hội, đảng "Nước Pháp bất khuất" (La France Insoumise – LFI) đã yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ.

Động thái này khiến chính phủ mới được bổ nhiệm của ông Bayrou có nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và buộc phải giải tán. Theo dự kiến, phiên bỏ phiếu tín nhiệm sớm nhất sẽ diễn ra vào ngày 6/2.

Về phần mình, đảng Xã hội (PS), một phần của liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP), cho biết họ quyết định không bỏ phiếu chống lại chính phủ của ông Bayrou vào thời điểm hiện tại. Ở phía ngược lại, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) tỏ ra do dự và khẳng định với báo giới sẽ đưa ra quyết định của mình tại phiên bỏ phiếu ngày 6/2.

Như vậy, với sự ủng hộ của đảng Xã hội, nhiều khả năng Chính phủ của Thủ tướng Bayrou vẫn an toàn trong giai đoạn này, kể cả trong trường hợp đảng RN có bỏ phiếu bất tín nhiệm đi chăng nữa. Cụ thể, liên minh các đảng đối lập, bao gồm đảng LFI, đảng Xanh và đảng Cộng sản sẽ chiếm 127 phiếu. Trong khi đó, đảng Tập hợp Quốc gia và các đồng minh sở hữu 142 phiếu nâng tổng số phiếu bất tín nhiệm lên 269 và kém xa mức 289 cần thiết để lật đổ Chính phủ.

Chia sẻ về động thái ủng hộ Chính phủ đương nhiệm, các đại biểu theo chủ nghĩa xã hội nhấn mạnh họ đã đạt được một số nhượng bộ nhất định từ phía Thủ tướng trong những tuần gần đây về việc hạn chế xóa bỏ các vị trí giảng dạy và đặc biệt là mở một cuộc tham vấn về cải cách lương hưu.

Tuy nhiên, Chính phủ của ông Bayrou vẫn chưa thoát khỏi vòng nguy hiểm khi sắp tới phải đệ trình lên Quốc hội một loạt Dự luật mới liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, di cư và đặc biệt là vấn đề lương hưu.

Trước đó vào đầu năm ngoái (2024), Chính phủ của cựu Thủ tướng Pháp, bà Elizabeth Borne đã sụp đổ vì lạm dụng điều 49.3 trong Hiến pháp. 10 tháng sau, người kế nhiệm của bà, cựu Thủ tướng Michel Barnier cũng buộc phải giải tán Chính phủ vì sử dụng điều 49.3. Việc không có đa số trong Quốc hội đang buộc ông Bayrou tiếp tục lạm dụng điều khoản này, đẩy Chính phủ non trẻ chưa đầy hai tháng của mình một lần nữa đứng trước cơn sóng bỏ phiếu bất tín nhiệm, tiếp tục nhấn chìm nước Pháp vào hỗn loạn.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận