Hai năm sau trận động đất kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hơn 53.000 người ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, những người may mắn sống sót ở thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất Antakya đã tìm đến nghệ thuật như một giải pháp để phục hồi và chữa lành. Đối với nhiều nghệ sĩ địa phương, trận động đất đã truyền cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm, để truyền thông điệp vươn lên và vượt qua thảm kịch.
“Tôi thực sự đã rất đau khổ vì những mất mát vô cùng to lớn. Thế nhưng cũng chính từ những đau thương đó, tôi đã tìm thấy động lực để không chỉ tự chữa lành mà còn truyền đi động lực vươn lên cho mọi người, từ đó cống hiến hết mình cho nghệ thuật vì cộng đồng”. Đây là chia sẻ của nghệ sĩ Eser Mansuroglu - 47 tuổi, người đã mất đi mẹ và em trai trong trận động đất kinh hoàng mạnh 7,8 độ richter vốn tàn phá nhiều khu vực rộng lớn ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng sớm ngày 6/2/2023. Khi đó, không nơi nào bị ảnh hưởng nặng nề hơn Antakya – với 90% các tòa nhà đã bị phá hủy và hơn 20.000 người thiệt mạng.
Không chỉ mất đi mẹ và em trai, căn nhà của gia đình nghệ sĩ Eser đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng chính từ căn nhà đổ nát, chị Eser đã cho xây dựng lại một phòng trưng bày với những tác phẩm khảm mosaic, ghép từ chính những mảnh bê tông vụn vỡ của ngôi nhà, những bức ảnh cũ, đồ trang sức..., tạo nên những bức tranh gợi nhớ về một khoảnh khắc đau thương trong quá khứ.
Từ một nghệ sĩ theo trường phái hiện vật lịch sử cổ đại, chị Eser đã chuyển sang việc truyền tải lại tất cả những hình ảnh của cuộc sống xung quanh mang đến cảm xúc mạnh mẽ cho chính bản thân chị và mọi người. Đó là hình ảnh những căn nhà xiêu vẹo, chiếc đồng hồ ghi lại ngày định mệnh 6/2/2023, hình ảnh người đàn ông mặc áo cứu hộ mặc áo màu cam nắm chặt tay cô con gái 15 tuổi mắc kẹt trong đống đổ nát – dù cô bé đã qua đời, hay một bức tranh gồm rất nhiều tạo hình những khuôn mặt khác nhau - nhắc nhớ đến vô vàn những nạn nhân trong trận động đất kinh hoàng. Nhưng cùng đó cũng là rất nhiều những tác phẩm truyền đi tinh thần lạc quan như: những đóa hoa nở rộ, hàng cây xanh hay những căn nhà nhỏ xinh...
Nhiều tác phẩm của chị Eser Mansuroglu cùng khoảng 70 nghệ sĩ địa phương khác đều đang được trưng bày tại khu Chợ Nghệ thuật và Văn hóa Antakya. Đây là một khu phức hợp ngoài trời gồm các gian hàng bằng gỗ, mở cửa từ ngày 1/1 đầu năm nay. Ông Hakan Boyaci - Người đứng đầu Hiệp hội Văn hóa - Du lịch Hatay cho biết: “Sau trận động đất, nhiều địa điểm văn hóa và du lịch cộng đồng của thành phố đã bị phá hủy hoàn toàn. Mục đích của chúng tôi là tạo ra một không gian để đưa các nghệ sĩ địa phương quay trở về đây; tạo cho họ một nơi để tiếp tục sáng tạo và trưng bày các tác phẩm của mình; cũng như tạo ra một địa điểm gặp gỡ giao lưu cho cả cộng đồng, để mọi người có thể tìm đến những ký ức từng rất đẹp của thành phố. Bởi bạn biết không, dù chúng ta có thể xây dựng lại nhà cửa, các toà nhà, nhưng những gì của quá khứ sẽ mãi mãi không bao giờ có thể quay trở lại”.
Vào những buổi chiều yên tĩnh, các du khách ghé thăm những gian trưng bày nhỏ, trò chuyện với các nghệ sĩ, cùng nhau trò chuyện về những điều đã qua, hoặc có thể tham gia các buổi hội thảo lớn hơn về các nét văn hóa đặc sắc địa phương. Ở phía ngoài khu phức hợp, các nghệ sĩ trẻ graffiti cũng đang say mê sáng tác một bức phù điêu nhiều màu sắc tươi sáng bằng sơn acrylic trên các tấm tường bê tông... Khu chợ còn trưng bày các di sản ẩm thực phong phú, phần lớn lấy cảm hứng từ thành phố Aleppo của Syria - chỉ cách đó hai giờ lái xe về phía đông.
Sáng kiến khu chợ được Văn phòng Cơ quan phát triển Đông Địa Trung Hải tài trợ, kỳ vọng có thể mang đến một “làn gió mới” cho đời sống tinh thần của người dân địa phương. Còn với các nghệ sĩ, nghệ thuật không chỉ là cách để ghi lại lịch sử, mà còn là cách để vượt qua khổ đau của quá khứ để hướng tới tương lai./.
Bình luận