Trường Sa hôm nay
VOV1 - Cách đất liền hơn 200 hải lý, Trường Sa là vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ khắp mọi miền Tổ quốc, Trường Sa hôm nay không ngừng lớn mạnh, là pháo đài vững chắc giữa lòng biển khơi.

Vượt qua hải trình hơn 200 hải lý, sau hơn 30 tiếng, chúng tôi đến với quần đảo Trường Sa, điểm đến đầu tiên là đảo Song Tử Tây. Đầu tháng Tư đang là thời điểm mùa khô hạn ở quần đảo Trường Sa, tuy nhiên cây cối vẫn xanh tươi trên khắp các đảo. Trò chuyện với chúng tôi, chị Đinh Thị Mỹ Hảo, người dân sinh sống tại đảo Song Tử Tây cho biết đời sống vật chất của người dân trên đảo những năm gần đây cũng khá đầy đủ, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm ổn định. Theo chị Hảo, trước kia nước ngọt luôn khan hiếm đối với các đảo, nhưng những năm gần đây được Nhà nước đầu tư khoan giếng, máy lọc nước biển, bể chứa nước mưa nên không còn thiếu nước ngọt nữa. "Nhà trồng được mướp đắng, bí đao, mướp.. Ở đây nhà có bể nước, có bồn để hứng nước khi mùa mưa tới để dùng và tưới rau"

Hiện nay các em học sinh trên quần đảo Trường Sa không nhiều, nhưng vẫn luôn có 2 giáo viên tiểu học cắm đảo. Chuyện lớp ghép cũng là lẽ thường, nhưng các em chỉ học đến hết lớp 5, khi lên lớp 6 là phải vào bờ để học tiếp. Cũng giống như bao phụ huynh, ông Cao Văn Giáp, Phó chủ tịch UBND xã Song Tử Tây mong muốn "Nguyện vọng của người dân là có trường cấp 2 để bà con an tâm công tác lâu dài hơn chứ không thể học đến hết lớp 5 lại đưa con vào bờ thì cha mẹ khó an tâm công tác. Nếu mở được trường cấp 2 nữa sẽ tạo được sự gắn kết của cha mẹ và các em cao hơn sẽ vững chắc hơn trong xây dựng bảo vệ chủ quyền"

          Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các đảo lớn tại quần đảo Trường Sa đều có các âu tàu rộng đáp ứng nhu cầu tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân. Là đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm nhiệm vụ cung cấp dầu, đá cây, nước ngọt và nhu yếu phẩm cho ngư dân, ông Huỳnh Ngọc Duy, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết: "Bà con đi biển bình thường khi không có trung tâm này thì có thể đi được 22 ngày lại phải về bờ để tiếp nhiên liệu và đá, nó tốn chi phí cho bà con. Có công ty này thì bà con vào lấy dầu, đá.. Dầu cũng bằng giá đất liền được Nhà nước hỗ trợ"

Nơi đảo xa còn nhiều thiếu thốn, còn nhiều nỗi lo, nhưng có lẽ nỗi lo lớn nhất là bệnh tật hiểm nghèo. Những năm gần đây được sự quan tâm từ đất liền, đảo nào cũng có đội ngũ y bác sỹ của các bệnh viện lớn luân phiên ra làm việc công tác tại đảo. Điều này làm cho cán bộ chiến sỹ và người dân sinh sống, công tác trên đảo yên tâm hơn. Trung úy Trần Xuân Cường, Y sỹ tại đảo Đá Tây, cho biết: "Nếu như đủ người đủ kíp có thể ngang với  viện cấp 4. Trang bị thì gần như đầy đủ có X quang, siêu âm, phòng mổ, gây mê tự động...."

Trường Sa hôm nay đang đổi thay từng ngày, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa đã cải tạo, xây dựng Trường Sa từ đảo cát trắng thiếu nước ngọt, vắng bóng cây xanh trở thành những hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát. Để có được thành quả đó là sự hy sinh, quyết tâm của nhiều lớp thế hệ quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Phát huy truyền thống đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, xây dựng đảo Trường Sa “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân” trở thành thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.

Mạnh Phương - VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận