Giá bán lẻ điện bình quân sẽ chính thức được được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng thêm 4,8% kể từ ngày mai, 10/5/2025, mức giá mới bình quân mới là 2.204, 0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Khẳng định việc điều chỉnh đã được tính toán kỹ lưỡng theo các quyết định của Chính phủ, Bộ Công Thương và sự kiểm tra, giám sát của các tổ chức xã hội, tác động trực tiếp lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ 0,09%, song các chuyên gia khuyến cáo cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát giá cả hàng hoá, tránh “té nước theo mưa”. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm để tránh hoá đơn tiền điện tăng cao, nhất là thời điểm hiện nay đang vào cao điểm của mùa nắng nóng trên cả nước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đang thực hiện công tác đảm bảo điện theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025, trong đó tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm năm 2025 dự kiến khoảng 12,2%, tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2025 tăng thêm khoảng 33,6 tỷ kWh so với năm 2024.
Trong cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo... Đối với sản lượng điện tăng thêm của hệ thống về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao, như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hoá lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó trong thời gian qua tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.
Trong bối cảnh chi phí khâu phát điện có xu hướng tăng cao những năm gần đây, EVN và các đơn vị thành viên đã quyết liệt thực hiện việc tiết giảm, tiết kiệm chi phí với yêu cầu trong năm 2025 tiết kiệm chi phí thường xuyên, sửa chữa lớn phải đạt tối thiểu 10% và phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) vận hành tối ưu hệ thống điện và thị trường điện để đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục.
Việc điều chỉnh giá lần này được EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực (có hiệu lực từ đầu tháng 2/2025) , Nghị định số 72/2025/NĐ-CP ngày 28/3/2025 của Chính phủ quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 22/2025/TT-BCT ngày 26/04/2025 của Bộ Công Thương quy định tính toán giá bán lẻ điện bình quân. Ông Võ quang Lâm - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, việc điều chỉnh được EVN tính toán kỹ lưỡng để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân và phù hợp với tình hình thực tiễn của nền kinh tế đất nước: "Cùng với trách nhiệm đảm bảo cung điện thì hiện Việt Nam còn phải thực hiện để làm sao đấy nền kinh tế của chúng ta đảm bảo sức cạnh tranh, và người dân đảm bảo được an sinh xã hội. Đây là những mục tiêu rất quan trọng. Chính vì vậy, sau khi tính toán rất kỹ lưỡng, đánh giá được các tác động, kể cả phần phần CPI, tác động đến kinh tế thì chúng tôi cũng đã đề xuất và đã có quyết định điều chỉnh giá điện với mức độ điều chỉnh là 4,8%".

Trên thực tế, mỗi lần điều chỉnh giá điện vẫn còn những băn khoăn về tính minh bạch trong cách tính giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN. Là một trong 7 thành phần đại diện cơ quan bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện nhiều năm qua, ông Bùi Thanh Thuỷ - Phó Chủ tịch kiêm TTK Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thông tin: "Thực ra thì để mà tăng giá điện thì phải có các căn cứ để tăng. Thủ tướng quy định hằng năm sau khi có kết quả kiểm tra kinh doanh giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì tiến hành là tăng (hoặc giảm) giá điện. Thì qua những lần đi kiểm tra cùng với các đoàn kiểm tra có Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước khác (mà chủ yếu Cục Điện lực), quá trình kiểm tra - trên cơ sở dựa vào các kết quả kiểm toán của các công ty kiểm toán độc lập để xem xét các nội dung liên quan đến giá thành điện. Qua mấy năm tham gia kiểm tra thì tôi thấy rất khách quan và rất minh bạch trong giá điện hiện nay".

Theo tính toán của Cục thống kê được EVN công bố, việc tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% sẽ tác động trực tiếp lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025 khoảng 0,09%. Tuy nhiên, TS Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh tới việc kiểm soát biến động giá cả hàng hoá, bởi điện là năng lượng đầu vào thiết yếu của sản xuất nên sẽ không chỉ tác động trực tiếp (vòng 1) mà còn tác động thông qua tăng giá các mặt hàng, với khả năng CPI tác động lan toả có thể lên tới 0,34%, vì vậy rất cần sự quản lý chặc chẽ của các cơ quan liên quan: "Cần thực hiện ngay một số biện pháp bình ổn thị trường, bình ổn giá mà trọng tâm là kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý thị trường, quản lý giá. Đối với những mặt hàng Nhà nước định giá mà nó làm đầu vào cho các mặt hàng khác của nền kinh tế thì phải kiểm soát cho được giá thành và yêu cầu tiết giảm chi phí sản xuất, và có những trường hợp là phải yêu cầu không cho tăng giá để lại tránh lợi dụng tiếp các mặt hàng mà không liên quan để tăng giá. Còn trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh giá thì tôi nghĩ là tối đa không cho phép điều chỉnh vượt quá mức tăng giá điện…Đối với các hàng hóa, dịch vụ khác thì phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên hơn việc niêm yết giá, kết quả niêm yết giá trước và sau khi tăng giá điện, và có biện pháp xử lý phù hợp nếu như có trường hợp mà ngay sau khi điều chỉnh giá điện thìtăng giá bất hợp lý - kể cả những mặt hàng có liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, và kể cả những mặt hàng mà không liên quan đến việc điều chỉnh giá điện" - TS Nguyễn Tiến Thoả lưu ý.
Các chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của người tiêu dùng thông thái, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tăng cao cho điều hoà, máy làm mát... bởi đã bắt đầu vào mùa nắng nóng ở miền Bắc, khi giá điện tăng lên, càng cần sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả để tránh hoá đơn tiền điện tăng cao trong thời gian tới./.
BOX: Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1279/QĐ-BCT ngày 09/5/2025 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Tác động của điều chỉnh giá điện từ ngày 10/5/2025 đến đối tượng khách hàng sinh hoạt, cụ thể:
- Đối với các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh (chiếm 10,55% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng.
- Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 51 kWh - 100 kWh (chiếm 13,98% số hộ sinh hoạt) , mức tăng tiền điện tăng khoảng 9.250 đồng/hộ/tháng.
- Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101 kWh - 200 kWh (chiếm 32,79% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng.
- Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201 kWh - 300 kWh (chiếm 19,33% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 33.950 đồng/hộ/tháng.
- Đối với khách hàng sử dụng điện từ 301- 400 kWh (chiếm khoảng 9,89% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 49.250 đồng/hộ/tháng.
- Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (chiếm khoảng 13,45% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng.
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo, hộ chính sách về tiền điện hiện nay:
Theo số liệu thống kê, năm 2024 cả nước có 599.608 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.
PV Nguyên Long
Bình luận