Hiện có 45 dịch vụ công thiết yếu được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia. Năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023,; Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục được tích hợp (70,8% tổng số thủ tục hành chính). Dịch vụ công trực tuyến đã giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, minh bạch và tiện lợi, không cần đến trực tiếp cơ quan, tiết kiệm thời gian. Thế nhưng, theo báo cáo kết quả chuyển đổi số quốc gia năm 2024, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình còn hạn chế, trong đó ở khu vực nông thôn, miền núi, có nơi mới chỉ đạt dưới 5%, trung bình khối địa phương chỉ đạt 17,9%.
Tại tỉnh Hòa Bình, để người dân thuận tiện cho quá trình tra cứu và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ở mức toàn trình, hầu hết các địa phương ở tỉnh Hòa Bình đều trang bị máy tra cứu thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Thế nhưng, máy chỉ để cho đẹp.
Và máy hỏng, máy không sử dụng được thì người phải làm thay, với khối lượng công việc tăng lên, nhiều khi quá tải với bà Nguyễn Khánh Linh, cán bộ một cửa xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình.

Thậm chí, ngay cả ở những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí minh, cũng vẫn còn tình trạng ''một cửa'' nhưng ''nhiều khóa''. Người dân, doanh nghiệp vẫn phải đôn đáo lo làm thủ tục hành chính. Chị Hoàng Lê Vy ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi đã vô cùng kiên nhẫn khi làm thủ tục ngày qua ngày, tuy nhiên hệ thống liên tục lỗi nên cảm thấy vô cùng chán nản khi phải thực hiện những thủ tục này liên tục.”.
Bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia phân tích Chính sách công, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, một người am hiểu và thường xuyên khảo sát các dịch vụ hành chính công cũng bày tỏ: “Tôi là người tương tác nhiều với máy tính, với nhiều thông tin liên quan tới thủ tục hành chính, nhưng bản thân tôi cũng mày mò, làm đi làm lại, có lần phải dành 7 tiếng trong vòng 3 ngày để có thể làm được.”
Việt Nam đang trong lộ trình cải cách hành chính và coi đây là một trong những đột phá để phát triển đất nước. Ứng dụng công nghệ, số hóa thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng. Chính phủ cũng đặt mục tiêu hết năm nay 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hết tháng 6, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; đến ngày 30 tháng 6, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc.
Để hoàn thành những mục tiêu này, cuối tháng 2, Văn phòng Chính có Thông báo kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024. Trong đó đề ra yêu cầu, chuyển trạng thái cung cấp dịch vụ công từ "xin - cho" sang trạng thái "chủ động - phục vụ"; đẩy mạnh xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính. Đồng thời, phát động phong trào thi đua toàn quốc về phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số.
Mới đây nhất, nhằm giúp người dân tiếp cận và tận dụng công nghệ trong cuộc sống, hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số; tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số, nền tảng Bình dân học vụ số hỗ trợ phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có thể đáp ứng 40.000 người học cùng lúc, đã chính thức ra mắt và triển khai từ ngày 1-4.
Phát biểu tại Lễ phát động phong trào và Ra mắt nền tảng "Bình Dân học vụ số", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị mỗi Đảng viên, cán bộ, công chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện Phong trào "Bình dân học vụ số", tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động; chuyển đổi quá trình học tập, rèn luyện và ứng dụng tri thức, kỹ năng số trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân; đẩy mạnh cắt giảm chi phí đào tạo, tập huấn; hướng tới miễn phí toàn bộ cho người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:"Muốn đột phá thì không phải chỉ có một cá nhân, một tập thể nào đó mà phải cả dân tộc, mọi người dân có đột phá; phải tham gia vào sự đột phá này. Phong trào "Bình dân học vụ số" phải trở thành một trong phong trào cách mạng "toàn dân, toàn diện, bao trùm sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau. Người dân làm trung tâm, làm chủ thể thì người dân phải tham gia vào phong trào này một cách tích cực, chủ động và hiệu quả. Phong trào muốn sống lâu phải gắn chặt giữa hiệu quả, thiết thực về hài hòa lợi ích riêng và lợi ích chung.”

Hoàn thành mục tiêu “Bình dân học vụ số” không chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội, mà còn là yếu tố quyết định để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Bởi, để một chính phủ điện tử, một nền kinh tế số vận hành trơn tru, điều cốt lõi là công dân phải làm chủ công nghệ ở mức cơ bản.
Bình luận