Ngay từ sáng sớm, tại các chợ truyền thống ở thủ đô Hà Nội, nhiều người dân tranh thủ dậy sớm trước khi đi làm, mua sắm đồ lễ cúng ông Công ông Táo: Người ta mua với tính chất là đồ truyền thống cúng ông Công ông Táo ngày Tết là mũ mã như mọi năm thôi. Người ta mua bộ giá 60.000 đồng/cặp. Ngoài ra, còn có bộ 80.000 đến 100.000 nhưng bộ 60.000 đồng vẫn là bán chạy nhất.
Đồ cúng lễ táo quân được nhiều gia đình chuẩn bị tùy theo điều kiện, có thể cúng mâm mặn với xôi gà, các món xào, canh măng… hoặc mâm chay với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc….nhưng nhất thiết phải có cá chép thật hoặc cá chép giấy. Nhiều người dân chia sẻ, năm nay kinh tế khó khăn nên mâm cơm cúng đơn giản hơn nhưng vẫn phải đầy đủ vật phẩm theo quan niệm truyền thống: “Năm nay cỗ bàn đơn giản hơn chứ không thể to tát như mọi năm để tụ tập đông. Cá chép thì mình cũng không duy tâm lắm là không thả, mình chỉ là cúng theo một bộ ông Công, ông Táo như thế và mâm cơm để hóa tiễn ông về”
“Cúng ông công ông Táo thì vẫn bình thường như mọi năm, không có gì thay đổi cả, có chăng thì chỉ có giảm bớt về cỗ bàn thôi, kết hợp giữa cúng mặn và cúng hoa quả, đầy đủ các thủ tục quần áo, rồi cá chép vàng để đưa ông công ông Táo lên trời, báo cáo trong 1 năm vừa rồi”
“Vô cùng đơn giản thôi. Em mua hoa quả, với cả chắc là mua thêm xôi giò. Là gia đình trẻ, thủ tục thì em cũng đơn giản, hiểu hiểu đến đâu thì mua đấy”.
Nhiều gia đình vẫn cố gắng duy trì nét đẹp truyền thống, đó là phóng sinh cá chép sau khi lễ cúng với mong ước một năm mới bình an, may mắn. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay nhiều người dân cũng ý thức hơn, không đốt nhiều vàng mã, bớt lãng phí và ô nhiễm môi trường: “Mã thì vẫn phải có một bộ dành cho ba ông táo, không nhất thiết phải nhiều mã, nó là thành tâm, cúng nhiều lãng phí lắm. Mã chỉ có một bộ và vài lễ, chứ không phải cầu kì.”
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, chuyên gia văn hóa cho biết, trong tâm thức của người Việt, Tết ông Công, ông Táo là sự kiện quan trọng, mở đầu cho ngày Tết truyền thống và không thể thiếu cá chép. Lễ cúng thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp (có thể cúng từ 21 đến trưa ngày 23 tháng Chạp) bởi dân gian quan niệm, sau thời khắc này, các vị thần đã lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng. Tiễn ông Công, ông Táo, người dân gửi gắm mong muốn các vị thần mang đi những vất vả, muộn phiền trong năm cũ để chuẩn bị tâm thế nhẹ nhàng bước vào một năm mới an lành, hạnh phúc.
“Cá chép là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Táo quân, bởi người dân vẫn coi cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Rồng có thể gọi những cơn mưa và mưa thì rất cần cho cư dân nông nghiệp lúa nước bởi vì sau Tết Táo quân chính là chúng ta bước vào chu trình Tết nguyên đán và sau Tết nguyên đán, ngày mùng 7 tháng giêng chính là lễ xuống đồng của cư dân nông nghiệp. Cá chép cũng là biểu hiện cho sự sung túc, phú quý, biểu hiện cho khát vọng của sự thăng hoa nên cá chép bao giờ cũng phải có trong mâm cỗ cúng Táo quân”
Với những ý nghĩa tốt đẹp của phong tục truyền thống này, nét đẹp tín ngưỡng thờ cúng ông Công ông Táo được người dân duy trì trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang tính nhân văn, hướng đến chân, thiện, mỹ. Gìn giữ và bảo vệ môi trường, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn./.
Kim Thanh/ VOV1
Bình luận