Chúng tôi có mặt tại Nhà chứa Quan họ Thị Cầu vào một buổi sinh hoạt CLB. Theo thường lệ, CLB quan họ Thị Cầu sinh hoạt vào buổi tối và tại mỗi buổi đều diễn ra các hoạt động truyền dạy và luyện tập hát quan họ của các thành viên.
Giữa không gian cổ kính tại nhà chứa, những liền anh mặc áo the khăn xếp, liền chị áo tứ thân mớ ba mớ bảy, nón quai thao, cơi trầu tên cánh phượng, gợi lại không gian sinh hoạt văn hóa quan họ xưa. Từng cặp quan họ ca những câu quan họ cổ vang lên mới thấy hết niềm đam mê quan họ của các liền anh, liền chị nơi đây. Các liền anh, liền chị vẫn hàng ngày ươm mầm tình yêu dân ca quan họ cho lớp lớp các thế hệ. Mỗi năm, CLB đều xây dựng kế hoạch cụ thể, sinh hoạt đều đặn 2 lần/tháng. Hàng quý, CLB còn mở thêm canh hát, tổ chức giao lưu với các CLB quan họ bạn theo hình thức hát canh truyền thống và giao lưu trên sân khấu. Qua đó, giúp cho thành viên có thêm vốn hiểu biết, ngày càng có thêm kinh nghiệm trong kỹ năng hát và học hỏi văn hóa ứng xử trong lối chơi quan họ. Những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm cùng niềm đam mê, nhiệt huyết của các thành viên CLB đã góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca quan họ Bắc Ninh. Liền anh Lê Văn Trọng, Chủ nhiệm CLB quan họ Thị Cầu cho biết:
Băng ô Trọng:
Còn tại CLB Quan họ thực hành khu phố Nguyễn Trãi, phường Tiền Ninh Vệ, thành phố Bắc Ninh cũng là một trong số 150 CLB Quan họ thực hành đang hoạt động rất sôi nổi và hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Tại Nhà văn hóa khu phố Nguyễn Trãi, nhiều năm nay đã trở thành điểm hẹn của CLB. Từ các bậc cao tuổi đến các anh chị tuổi trung niên hay các cháu nhỏ... tất cả đều coi CLB như một sân chơi văn hóa tinh thần đầy ý nghĩa. Với tình yêu quan họ và trách nhiệm của một người con quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc trong việc gìn giữ và bảo tồn Dân ca Quan họ, năm 2006, CLB được thành lập. Đến nay sau hơn 18 năm, CLB đã luôn duy trì sinh hoạt đều đặn vào các buổi tối thứ Ba và thứ Năm hàng tuần. Tại đây, các thành viên trong CLB được gặp gỡ, giao lưu và cùng ca những làn điệu Quan họ từ dễ đến khó. Người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết, các thành viên chăm chỉ, thi đua nhau rèn luyện câu ca. Từ đó góp phần lan tỏa giá trị của dân ca Quan họ. Chia sẻ với chúng tôi, bà Phạm Thị Quế, Chủ nhiệm CLB Quan họ thực hành khu phố Nguyễn Trãi, phường Tiền Ninh Vệ, thành phố Bắc Ninh cho biết:
Băng bà Quế:
Không chỉ phát triển các làng quan họ gốc, quan họ thực hành, Bắc Ninh còn ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống; đã thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả các nội dung cam kết với UNESCO; là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là DCQH Bắc Ninh. Nhiều chính sách của tỉnh có ý nghĩa, tác động thiết thực đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Điển hình như tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp; hỗ trợ các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, các CLB Quan họ tiêu biểu... Đó là nguồn khích lệ, động viên các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân thêm yêu nghề, tích cực cống hiến, truyền dạy, phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng; khích lệ đội ngũ nghệ nhân kế cận tích cực tham gia, cống hiến nhiều hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản DCQH Bắc Ninh.
Sinh ra và lớn lên tại làng Thị Cầu nay là phường Thị Cầu, nghệ nhân Nguyễn Thị Nội, 73 tuổi vẫn luôn đau đáu say mê với những lời ca quan họ cổ của làng và tích cực truyền dạy quan họ cho thế hệ trẻ. Đặc biệt là khi được công nhận là nghệ nhân càng tiếp thêm niềm đam mê cho liền chị tiếp tục cống hiến trong công tác bảo tồn và gìn giữ di sản của quê hương Bắc Ninh- Kinh Bắc. Nghệ nhân Nguyễn Thị Nội chia sẻ:
Băng bà Nội:
Còn đây là chia sẻ của nghệ nhân Vũ Thị Minh, Làng quan họ cổ Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du :
Băng bà Minh:
Có thể nói sau 15 năm, Bắc Ninh có 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành... Hát quan họ đã trở thành nét đặc trưng, riêng có bao trùm lên gần 600 lễ hội vùng Kinh Bắc, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước tham dự. Bên cạnh đó, công tác truyền dạy, đào tạo Dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng luôn được quan tâm, chú trọng với nhiều hình thức đa dạng. Từ đó lan tỏa và trường tồn giá trị của dân ca quan họ. GS – TS Từ Thị Loan, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam – một người đã dành nhiều tâm huyết với Quan họ Bắc Ninh đánh giá.
Băng bà Loan:
Với sự phát triển phong phú đa dạng, giờ đây, Quan họ được hát ở mọi nơi, trên bàn trà, trong sân khấu hội nghị, giữa những cuộc vui sum họp, không phân biệt tầng lớp, hoàn cảnh. Người Bắc Ninh tự hào vì di sản được mang đi khắp nơi để biểu diễn cho người dân cả nước và bạn bè thế giới. Một Bắc Ninh vừa giàu bản sắc văn hóa, vừa hiện đại, một Quan họ có truyền thống từ hơn 300 năm vẫn vang rền hòa vào nhịp sống ngày nay mà chưa bao giờ cũ. Đó là giá trị bền đẹp nhất mà di sản để lại cho đời, để Dân ca quan họ trường tồn và lan tỏa ngày càng rộng hơn, xa hơn.
Bình luận