Tổng thống Donald Trump tuyên bố cứng rắn: Không hoãn thuế nhưng có thể đàm phán
VOV1 - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tuyên bố không thay đổi lập trường về thuế, nhưng cho biết có thể “cởi mở” với một số cuộc đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tuyên bố không thay đổi lập trường về thuế, nhưng cho biết có thể “cởi mở” với một số cuộc đàm phán. Phát biểu đưa ra trong bối cảnh các đối tác thương mại của Mỹ đang tìm kiếm phản ứng trước động thái tăng thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Một số nước đã lên kế hoạch cử đoàn đàm phán tới Mỹ, trong khi Uỷ ban châu Âu đề nghị giảm thuế quan chung, nhưng cảnh báo trả đũa cũng là một lựa chọn.

Phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại phòng Bầu dục, Tổng thống Donald Trump cho biết, thuế quan “rất quan trọng” đối với chương trình nghị sự kinh tế của ông và nhìn chung sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ cho khả năng đàm phán khi nhấn mạnh có thể có thuế quan vĩnh viễn và cũng có thể có các cuộc đàm phán bởi ngoài thuế quan thì Mỹ cũng cần những thứ khác”.

 “Rất nhiều quốc gia đang đến đàm phán các thỏa thuận với chúng tôi, và đó sẽ là những thỏa thuận công bằng. Trong một số trường hợp, họ sẽ phải trả mức thuế quan đáng kể. Đó sẽ là những thỏa thuận công bằng. Chúng ta có 36 nghìn tỷ đô la nợ. Tôi muốn thoát khỏi điều này và chúng ta có thể làm được điều đó nhanh chóng với các thỏa thuận phù hợp.”

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Nhà Trắng để đàm phán trực tiếp với Tổng thống Donald Trump về chính sách thuế quan mới của Mỹ.  Chuyến thăm được các đối tác thương mại khác của Mỹ theo dõi chặt chẽ và hy vọng triển vọng đạt thoả thuận giữa 2 nước có thể cung cấp khuôn khổ cho các quốc gia khác.

Dù là bước đi được dự báo trước, song quyết định áp thuế hồi tuần trước của Tổng thống Donald Trump vẫn khiến các nhà đầu tư trên thế giới ngạc nhiên, làm các đối tác và đồng minh bối rối. Các bộ trưởng thương mại Liên minh châu Âu đã họp kín vào ngày hôm qua tại Luxembourg để cân nhắc các bước đi có thể bao gồm thuế đối với các công ty công nghệ Mỹ như Google, Apple hay Amazon. Uỷ ban châu Âu đồng thời cho biết khối này sẽ áp thuế đối với quần Jeans, rượu whisky và xe máy của Mỹ ngay từ ngày 9/4 để đáp trả việc Tổng thống Donald Trump tăng thuế thép và nhôm.  Tuy nhiên, EU vẫn chưa quyết định phản ứng đối với mức thuế đối ứng 20% của Mỹ. Theo Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen, khối 27 nước thành viên sẵn sàng đàm phán với Mỹ và đã đưa ra mức thuế “0 đổi 0” đối với hàng hoá công nghiệp như đã thực hiện thành công với nhiều đối tác thương mại khác. Tuy nhiên, bà Ursula von der Leyen cũng cảnh báo:

"Chúng tôi vẫn sẵn sàng đàm phán với Mỹ. Nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị để phản ứng thông qua các biện pháp đối phó và bảo vệ lợi ích của mình. Và ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tự bảo vệ mình trước những tác động gián tiếp thông qua việc chuyển hướng thương mại. Và vì mục đích này, chúng tôi sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm giám sát nhập khẩu. Chúng tôi sẽ làm việc với ngành công nghiệp để đảm bảo rằng chúng tôi có cơ sở bằng chứng cần thiết cho các biện pháp chính sách của mình. Và chúng tôi sẽ giữ liên lạc rất chặt chẽ để giảm thiểu tác động không mong muốn.”

Sau mức thuế trả đũa 34% đối với các sản phẩm của Mỹ, Trung Quốc hôm qua một lần nữa cáo buộc Mỹ không chơi công bằng. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các quan chức nước này đã gặp đại diện của 20 doanh nghiệp Mỹ bao gồm Tesla và GE Healthcare và kêu gọi họ thực hiện "hành động cụ thể" để giải quyết vấn đề thuế quan. Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng nêu rõ, nước này sẽ vẫn mở cửa cho đầu tư nước ngoài.

Các quốc gia châu Á khác đang tìm kiếm cơ hội đàm phán với Mỹ. Theo Bộ Thương mại Hàn Quốc, nhà đàm phán hàng đầu Inkyo Cheong sẽ đến Washington trong tuần này để bày tỏ mối quan ngại về mức thuế 25% đối với hàng hóa Hàn Quốc và thảo luận về các cách giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm các nhà sản xuất ô tô lớn và nhà sản xuất thép.

Indonesia, một trong những nền kinh tế lớn nhất tại Đông Nam Á cho biết sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để tăng nhập khẩu lúa mì, bông, dầu và khí đốt từ Mỹ nhằm giúp giảm thặng dư thương mại của nước này, hiện ở mức 18 tỷ đô la vào năm 2024. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Zafrul Abdul Aziz cho biết nước này sẽ tìm cách đưa ra phản ứng thống nhất từ ​​Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trước động thái áp thuế toàn diện của Mỹ.

Thị trường châu Á mở cửa sáng nay với tâm lý lạc quan hơn, phục hồi sau mức thấp nhất trong 1 năm rưỡi khi thị trường lấy lại nhịp độ sau đợt bán tháo mạnh gần đây với hy vọng rằng Mỹ có thể sẵn sàng đàm phán một số mức thuế quan mạnh tay của mình. /.

 

Thu Hoài

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận