Chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình
VOV1 - Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, với quỹ đạo phát triển hiện nay nhờ tư tưởng cải cách của Chính phủ và tinh thần khởi nghiệp của người dân, nếu quốc gia nào đứng trước cơ hội vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thì đó chỉ có thể là Việt Nam.

Hơn 3 thập kỷ qua, chỉ có hơn 30 quốc gia thành công thoát bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có thu nhập cao. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, với quỹ đạo phát triển hiện nay nhờ tư tưởng cải cách của Chính phủ và tinh thần khởi nghiệp của người dân, nếu quốc gia nào đứng trước cơ hội vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thì đó chỉ có thể là Việt Nam. 

Theo Bản tin kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei, Việt Nam được nhận định có thể trở thành 1 trong số ít các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình, bất chấp những thách thức từ nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại. Tờ báo trích dẫn một bài viết trên Tạp chí Financial Times, đưa ra một số lý do Việt Nam có thể đạt được thành tựu này. Theo đó, Việt Nam đã và đang tận dụng tốt lợi thế từ vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với các tuyến hàng hải chủ chốt và nền chính trị ổn định. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn giữ vững khả năng thu hút FDI, với lượng FDI hàng năm đạt gần 5% tổng GDP, tính từ năm 2015. Ngoài ra, với nền kinh tế mở, Việt Nam đã tham gia sâu rộng với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ trọng hàng hóa Việt Nam trong tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu tăng từ 0,1% năm 1996 lên 1,7% năm 2022. Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại, nhiều doanh nghiệp như Apple, Boeing, Intel,... đã chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam để giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng. Cũng nhờ vậy, Việt Nam có năng lực đa dạng hoá các thị trường và đối tác trong bối cảnh căng thẳng thương mại hiện nay. 

Theo Ngân hàng thế giới World Bank, nguyên nhân các nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do mắc kẹt giữa sự đổi mới công nghệ nhanh chóng từ các nền kinh tế phát triển và sức ép cạnh tranh từ hàng hóa giá rẻ từ các nước kém phát triển hơn. Trong khi đó, Việt Nam lại có khả năng tận dụng lợi thế sản xuất để gia tăng vị thế trên chuỗi giá trị, với các sản phẩm công nghệ cao chiếm tới 43% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu chế tạo.

Chính phủ Việt Nam hiện đang thực hiện các biện pháp cải cách mạnh mẽ, tinh gọn bộ máy, nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh và ổn định. Nhiều doanh nghiệp đánh giá, Chính phủ đã thể hiện sự nhanh nhạy khi giải quyết các thách thức tăng trưởng, thông qua cải cách cơ cấu như cải tổ doanh nghiệp nhà nước, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và an ninh năng lượng, áp dụng các ưu đãi thuế và thể chế cho doanh nghiệp. Theo đánh giá của Đơn vị Tình báo kinh tế EIU, Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường kinh doanh với tốc độ cải thiện nhanh nhất trên thế giới trong hai thập kỷ qua. Bà Mary Tarnowka, chuyên gia tư vấn chiến lược tập đoàn năng lượng Pacifico, nhận định:

"Tôi nghĩ việc Việt Nam có thể giảm rào cản cho các đầu tư nước ngoài sẽ mở ra cơ hội cho nhiều lĩnh vực và dự án. Điều này sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh. Ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam có nguồn tài nguyên dồi dào, với đường bờ biển dài cũng những đợt gió mạnh. Việt Nam có tiềm năng trở thành một nhà cung cấp năng lượng ngoài khơi cho các quốc gia trong khu vực. Điều cần làm là đưa ra chính sách phù hợp, giúp thu hút đầu tư vào Việt Nam."

Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, với hơn 50% dân số ở độ tuổi dưới 35, trong đó rất nhiều người có ý định khởi nghiệp. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ làm việc ở Việt Nam cao hàng đầu thế giới, thậm chí cao hơn mức bình quân tại một số quốc gia phát triển. Do đó, Việt Nam có tốc độ thăng hạng khá cao trong bảng chỉ số nguồn vốn con người của Ngân hàng Thế giới.

Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, Việt Nam là ví dụ tiêu biểu cho tiềm năng của khu vực trong các chuỗi cung ứng. Với vị thế chiến lược, tốc độ tăng trưởng nhanh và các chính sách thương mại tích cực, Việt Nam có cơ hội cao vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành cửa ngõ cho thương mại khu vực và toàn cầu./.

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận