Quốc tế dành nhiều tình cảm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh
VOV1 - “Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức hút rất tự nhiên với người dân thế giới, là sợi dây kết nối những người yêu chuộng hòa bình”, “Bác Hồ là vị lãnh tụ có đức hy sinh và thực sự dành được tình cảm của nhân dân”- Rất nhiều những tình cảm mà bạn bè quốc tế đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

“Chúng tôi đã tìm thấy những trao đổi thư từ của các nhà lãnh đạo Ấn Độ - trong đó có Lãnh tụ Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ đây là một trong những nền tảng cho thấy vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc kết nối, hợp tác nhân dân hai nước”. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đã chia sẻ như vậy khi kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh – người mà ông vô cùng ngưỡng mộ và yêu mến. Theo Đại sứ Sandeep Arya, Ấn Độ tuyên bố độc lập năm 1947, Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945; nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo của Ấn Độ đã có những trao đổi từ trước đó. Đại sứ tin tưởng rằng, những trao đổi này chính là nguồn cảm hứng cho cả hai bên trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Cũng theo Đại sứ Sandeep Arya, năm 1947 đã có một hội nghị châu Á rất lớn được tổ chức tại Ấn Độ, lúc đó, Việt Nam dù vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử 4 đại biểu tham dự. Tại đây, đã có nhiều bài phát biểu tập trung vào việc các quốc gia cần hỗ trợ lẫn nhau trong hành trình giành độc lập và phát triển đất nước. Đây là bước chuẩn bị cho Hội nghị Á-Phi tại Bandung (Indonesia) sau đó, cũng như tạo tầm nhìn cho quan hệ song phương Ấn Độ-Việt Nam.

Tiếp mạch thông tin về quan hệ song phương cũng như tình cảm dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ Sandeep Arya chia sẻ:  “Năm 1954, chỉ một tuần sau khi Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Thực dân Pháp, Thủ tướng Ấn Độ Nehru đã đến thăm Việt Nam. Chuyến đi thể hiện niềm tin tưởng cũng như sự ủng hộ mà Chính phủ Ấn Độ dành cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đến năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ trong 12 ngày, đến 4 thành phố khác nhau. Và các bạn biết không, đi tới đâu thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được những đám đông người dân Ấn Độ chào mừng một cách nồng hậu. Có thể nói, ở Hồ Chí Minh luôn toát ra sức hút rất tự nhiên. Người dân yêu chuộng hòa bình không chỉ ở Ấn Độ mà cả thế giới đều biết tới. Và chính Hồ Chủ tịch đã đặt nền móng không chỉ cho mối quan hệ chính trị mà cả sợi dây kết nối tình cảm cho hai bên”.

Trong thập niên 60, theo Đại sứ Sandeep Arya, đây là khoảng thời gian phức tạp cho cả Ấn Độ và Việt Nam. Nhưng chính trong bối cảnh đó, hai bên càng thể hiện rõ hơn tình đoàn kết, đặc biệt trong các diễn đàn quốc tế. Rằng, Ấn Độ luôn thể hiện sự ủng hộ với Việt Nam trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Trong khi đó với Thái Lan, đây từng là một điểm dừng chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình cứu nước những năm 1928-1929. Trong bầu không khí 30/4 và Tháng sinh nhật Bác, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Urawadee Sriphiromya gửi lời chúc: “Trước tiên tôi xin được gửi lời chúc mừng tới nhân dân Việt Nam nhân dịp đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi vẫn thường gọi Người với cái tên thân mật là “Bác Hồ”, bởi chúng tôi coi Người là một phần của Thái Lan. Tôi là sinh viên chuyên ngành chính trị, từng được tìm hiểu về vai trò của Người qua các giáo trình học và hiểu rằng, Người là một lãnh tụ có đức hy sinh và đã thực sự dành được tình cảm của nhân dân không chỉ với người dân Việt Nam mà còn người dân Thái Lan và thế giới”.

Đại sứ chia sẻ, năm ngoái khi vừa đến Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ công tác, bà có dịp tham dự triển lãm tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Đặc biệt, đây là những bức chân dung của Hồ Chủ tịch do một người Thái Lan chưa từng được học về hội họa vẽ những bức chân dung của Bác Hồ rất đẹp theo hình dung của mình. Theo Đại sứ Thái Lan, đây là một câu chuyện cho thấy rõ nét tình cảm mà người dân Thái Lan dành cho Bác. Và rằng, Bác Hồ là tấm gương mẫu mực không chỉ với người dân Việt Nam; công lao to lớn của Người sẽ luôn được khắc ghi trong lịch sử thế giới./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận