Nhân dịp này, phóng viên Đài TNVN có cuộc phỏng vấn Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Urawadee Sriphiromya về ý nghĩa chuyến thăm và những nội dung trọng tâm trong thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam-Thái Lan.
PV: Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Thái Lan; đặc biệt trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026?
Đại sứ: Như chúng ta đã biết, Thái Lan và Việt Nam có quan hệ gắn bó gần gũi và nồng ấm trên mọi mặt. Chuyến thăm lần này mang nhiều ý nghĩa khi hai nước đang cùng nhau nỗ lực nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này đồng nghĩa hai nước sẽ tiếp tục phối hợp thông qua hoạch định chiến lược chung, hướng tới sự phát triển thịnh vượng của cả hai nước. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao - một dấu mốc quan trọng. Việc Thủ tướng Chính phủ hai nước gặp gỡ và trao đổi sẽ gửi thông điệp đến tất cả các ngành, các cấp để cùng nhau tích cực phối hợp thực hiện những hoạt động mới, hướng tới dịp kỷ niệm vào năm sau.

PV: Những nội dung trọng tâm nào sẽ được hai bên thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm lần này của Thủ tướng Thái Lan, Thưa Đại sứ?
Đại sứ: Quan hệ giữa hai nước không chỉ được các cơ quan chính phủ thúc đẩy mà còn có sự tham gia của khối tư nhân và nhân dân hai nước. Do đó, các nội dung trao đổi sẽ khá toàn diện. Về hợp tác chính trị, chúng ta cần tăng cường củng cố để thích ứng với những nguy cơ, thách thức mới. Trên lĩnh vực kinh tế, lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu cần tăng hơn nữa kim ngạch thương mại từ mức 20 tỷ USD như hiện nay. Về hợp tác đầu tư, các nhà đầu tư Thái Lan đã vào đầu tư tại Việt Nam rất sớm. Một số doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam hơn 30 năm, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Các nhà đầu tư hiện đều rất tin tưởng vào tiềm năng và các chính sách hỗ trợ của Việt Nam và cho rằng, Việt Nam là điểm đến đầu tư số 1 của Thái Lan tại nước ngoài. Các nhà đầu tư Thái Lan luôn đứng trong top 10 các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng vốn lên tới 14 tỷ USD. Về năng lượng cũng có nhiều doanh nghiệp đang vào đầu tư vào năng lượng tái tạo, giúp hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.
Về giao lưu nhân dân, việc đi lại, du lịch giữa hai nước rất thuận lợi. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan đã trao đổi với phía Việt Nam về kế hoạch thúc đẩy du lịch “6 quốc gia, 1 điểm đến”, chiến lược “ba kết nối”. Với số lượng lớn người Thái Lan nói riêng và người dân các nước ASEAN nói chung muốn đến Việt Nam du lịch hoặc thăm người thân, tôi mong rằng Việt Nam có thể mở rộng các chuyến bay, các phương tiện di chuyển qua đường bộ hoặc đường thủy giữa các quốc gia ASEAN, đẩy mạnh du lịch và giao lưu giữa các quốc gia.
PV: Bà đánh giá thế nào về mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD và kỳ vọng gì về những kết quả của chuyến thăm?
Đại sứ: Không chỉ Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam mà cả Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan đều được giao nhiệm vụ này và chúng tôi đã trao đổi với khối doanh nghiệp và các cơ quan khác như Bộ Thương Mại, Ủy Ban xúc tiến đầu tư để tìm giải pháp nhằm sớm đạt mục tiêu. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, nhiều thách thức đặt ra như xung đột, căng thẳng thương mại..., thì kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt 20 tỷ USD. Năm qua, kim ngạch thương mại tăng 6% so với năm trước với sự nỗ lực từ tất cả các bên thông qua các giải pháp về xuất nhập khẩu, tháo gỡ rào cản ... Chúng tôi tự hào bởi Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Do đó, chúng ta vẫn không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu như mong muốn.
PV: Xin trân trọng cám ơn Đại sứ!.

(VOV5)
Bình luận