Ngay sau tuyên bố của Nhà Trắng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thẳng thắn chỉ trích mức thuế quan mới, nhưng cũng thể hiện thiện chí đối thoại khi khẳng định EU vẫn mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích chính đáng của khối.
Các quốc gia thành viên EU cũng đồng loạt thể hiện sự quan ngại. Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof nhấn mạnh rằng việc Mỹ đơn phương áp thuế là “điều đáng lo ngại”, đồng thời kêu gọi các nước thành viên EU cần “đoàn kết và kiên định theo đuổi một kết quả cùng có lợi với Mỹ”. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không giấu thái độ cứng rắn, kêu gọi EU đẩy nhanh việc chuẩn bị các biện pháp đáp trả tương xứng, trong đó có khả năng kích hoạt Công cụ chống cưỡng ép (ACI) – một cơ chế được thiết kế để đối phó với các hành động đơn phương có tính chất áp đặt từ bên ngoài.

Về phía Mexico, Tổng thống Claudia Sheinbaum vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận trước thời điểm mức thuế có hiệu lực vào ngày 1/8. Phát biểu trước báo giới, bà khẳng định:
“Chúng tôi tin rằng sẽ đạt được một thỏa thuận với Mỹ, và dĩ nhiên là với các điều kiện có lợi hơn. Tuy nhiên, có một nguyên tắc không bao giờ có thể thương lượng. Đó là chủ quyền quốc gia của chúng tôi.”
Quyết định nhắm vào EU và Mexico lần này chỉ là một phần trong loạt biện pháp thương mại cứng rắn mà Tổng thống Trump đưa ra trong tuần qua. Trước đó, chính quyền Mỹ đã áp thêm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Brazil, cùng với mức thuế đặc biệt 50% đối với đồng, một kim loại quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao.

Giới quan sát nhận định, động thái mới của Mỹ không chỉ gây lo ngại về nguy cơ trả đũa thương mại, mà còn đặt ra nhiều dấu hỏi về cam kết của Washington đối với hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ. Bà Mary Lovely – chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson – cảnh báo:
“Việc áp – gỡ thuế liên tục tạo ra sự bất ổn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp. Các công ty phải tăng cường nhập khẩu để né thuế, dẫn đến lượng hàng hóa đổ dồn vào các cảng biển, tồn kho phình to rồi đột ngột cạn kiệt. Hệ quả tất yếu sẽ là giá cả tăng, việc làm sụt giảm. Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là chúng ta chưa thể lường trước được hết những tác động dài hạn mà nó gây ra.”
Nhiều quốc gia đang phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc bảo vệ lợi ích quốc gia và giữ vững nguyên tắc hợp tác thương mại quốc tế. Liệu xu hướng chủ nghĩa bảo hộ có quay trở lại và tái định hình lại cục diện toàn cầu? Câu trả lời còn phụ thuộc vào cách các bên liên quan lựa chọn đối thoại hay đối đầu trong thời gian tới./.)
Hồng Nhung/ VOV1
Bình luận