Liên hợp quốc cảnh báo khủng hoảng nhân đạo do hồi hương người tị nạn Afghanistan ồ ạt
VOV1 - Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Afghanistan vừa lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á do làn sóng hồi hương không có tổ chức hơn 1,6 triệu người tị nạn Afghanistan từ Iran và Pakistan.

Theo ông Arafat Jamal, đại diện Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn tại Afghanistan thì đây là một cuộc hồi hương không có kế hoạch và đầy áp lực. Điều này đang khiến các địa phương tiếp nhận người tị nạn hồi hương như tỉnh Herat rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Trong giai đoạn cao điểm, hơn 50.000 người đã trở về mỗi ngày, tạo gánh nặng khổng lồ lên nguồn lực y tế, lương thực và nhà ở cho chính quyền Afghanistan.

Làn sóng trục xuất gia tăng từ Iran bắt đầu sau căng thẳng quân sự với Israel, trong đó nhiều người Afghanistan bị cáo buộc liên quan hoạt động gián điệp. Chỉ trong 16 ngày, hơn 500.000 người đã bị trục xuất và buộc hồi hương. Chính quyền Iran trước đó cũng đã đặt thời hạn chót là ngày 1/7 cho tất cả người nhập cư không giấy tờ. Trong khi đó, tại Pakistan, chính phủ nước này yêu cầu toàn bộ người Afghanistan sinh sống bất hợp pháp về nước trước ngày 30/6. Tuy nhiên, trước áp lực quốc tế, Pakistan mới đây đã gia hạn thời gian thêm sáu tháng.

Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn nhấn mạnh, hầu hết người hồi hương rơi vào cảnh không có nơi ở, thiếu lương thực, nước uống, y tế cơ bản, trong khi các chính sách của Taliban tiếp tục hạn chế nghiêm trọng quyền tiếp cận dịch vụ của phụ nữ và trẻ em.

Tổ chức này cảnh báo Afghanistan hiện không đủ năng lực để xử lý dòng người tị nạn trở về với quy mô lớn như vậy, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng tài trợ khẩn cấp, ngăn chặn các chiến dịch trục xuất cưỡng bức và phối hợp hành động hiệu quả hơn. Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cũng dự báo số người Afghanistan hồi hương có thể lên đến 3 triệu người vào cuối năm 2025 nếu tình hình không được kiểm soát, đẩy Afghanistan đối mặt với nguy cơ bất ổn kéo dài./.

 Lê Dũng/VOV Ấn Độ

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận