Giáo hoàng Leo XIV mang đến hy vọng về một thế giới hòa bình
VOV1 - Ngay trong bài phát biểu ngắn gọn đầu tiên của mình từ ban công của Vương cung thánh đướng Thánh Peter, Tân Giáo hoàng Leo XIV đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, đối thoại và truyền giáo.

Hồng y Robert Francis Prevost sinh ngày 14/9/1955 tại thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ, đã chính thức trở thành vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo La mã vào tối ngày 08/05 theo giờ địa phương. Người đã lấy tông hiệu là Leo XIV. 

Khi tên của vị Tân Giáo hoàng được xướng lên, nhiều tiếng thì thầm thắc mắc vẫn vang lên trên Quảng trường Thánh Peter ở trung tâm Thủ đô Roma. "Prevost ? Đó là ai ?"

Có lẽ đối với Hồng y đoàn, ông là một gương mặt được nhiều người biến đến nhờ giữ chức Tổng trưởng Bộ Giám mục - cơ quan quyền lực của Vatican phụ trách việc bổ nhiệm và giám sát các giám mục trên toàn cầu. Nhưng đối với công chúng nói chung, Tân Giáo hoàng Leo XIV là một ẩn số.

Mặc dù được sinh ra tại thành phố Chicago nhưng ông Prevost chưa bao giờ là một giáo sĩ Công giáo Mỹ điển hình. Một phần do ông được sinh ra trong một gia đình mang dòng máu Tây Ban Nha, Pháp và Italia.

Thuộc dòng tu Augustinô, ông thụ phong linh mục năm 1982, lấy bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinas ở Roma trước khi tới Peru để làm nhà truyền giáo, linh mục giáo xứ, giảng viên thần học và sau này là giám mục trong gần hai thập kỷ. Sau đó, ông đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Dòng Thánh Augustinô, đưa ông đến với các cộng đoàn dòng tu khắp thế giới.

Những người từng biết ông ở Peru đều nhận xét ông một nhà lãnh đạo điềm tĩnh, vững vàng và luôn cùng các linh mục chia sẻ bữa ăn sau buổi cầu nguyện sáng. Vào tháng 1/2023, Giáo hoàng Francis đã phong ông Prevost làm Hồng y và trên hết là bổ nhiệm ông làm Tổng trưởng Bộ Giám mục.

Ngay trong bài phát biểu ngắn gọn đầu tiên của mình từ ban công của Vương cung thánh đướng Thánh Peter, Tân Giáo hoàng Leo XIV đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, đối thoại và truyền giáo: "Các bạn, xin giúp chúng tôi, cùng nhau, xây dựng những cây cầu hướng đến đối thoại, hướng đến gặp gỡ, đoàn kết tất cả chúng ta để trở thành một dân tộc luôn hòa bình". 

Dù còn quá sớm để có thể khẳng định đường lối của triều đại Giáo hoàng mới nhưng với việc lựa chọn tông hiệu là Leo, vị Tân Giáo hoàng đã hé lộ cho công chúng biết một phần nào đó những tiêu chí của mình. Theo các nhà nghiên cứu, cái tên Leo tượng trưng cho "một giáo hoàng mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng", cho thấy cam kết của Tân Giáo hoàng đối với các vấn đề xã hội năng động, sự quan tâm đến những người nghèo khổ, những người nằm ở ngoài lề và bị lãng quên.

Với tư cách là cộng sự thân cận của Đức Giáo hoàng Francis, Tân Giáo hoàng Leo XIV được cho là sẽ tiếp nối đường hướng cải cách của người tiền nhiệm. Tuy nhiên các giám mục thân cận đánh giá Tân Giáo hoàng có thể có phong cách điều hành kín đáo hơn.

Leo là một tông hiệu khá phổ biến, hiện đồng xếp hạng ở vị trí thứ 4 cùng với tông hiệu Clement, trên bảng tông hiệu được sử dụng nhiều nhất, sau tông hiệu John được sử dụng 22 lần, Benedict và Gregory được sử dụng 16 lần.

Tông hiệu Leo cũng cho thấy Tân Giáo hoàng muốn quay lại với những giá trị truyền thống, tiếp nối bước đi của những tiền bối. Giáo hoàng gần đây nhất chọn tông hiệu Leo là Giáo hoàng Leo XIII, người trị vì Giáo hội Công giáo từ năm 1878 đến 1903 và luôn nhấn mạnh đến quyền của người lao động cũng như giáo huấn xã hội Công giáo.

Được bầu làm Giáo hoàng ở tuổi 69, Giáo hoàng Leo XIV trẻ hơn so với 2 người tiền nhiệm của mình. Đức Giáo hoàng Francis tại vị năm 76 tuổi và Đức Giáo hoàng Benedict XVI năm 78 tuổi. Tuy nhiên Giáo hoàng Leo XIV lại lớn tuổi hơn một chút so với độ tuổi trung bình của các Giáo hoàng trong thế kỷ 19 và 20 (từ Pius X đến Francis), là 67 tuổi./.

Anh Tuấn/VOV-Paris

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận