Cộng hoà Séc và Hungary không có kế hoạch mua vũ khí của Mỹ để hỗ trợ Ukraine
VOV1 - Cộng hòa Séc và Hungary mới đây đã tuyên bố không tham gia chương trình mua vũ khí từ Mỹ để hỗ trợ Ukraine, đặt ra thách thức cho sự phối hợp chung của các nước châu Âu trong việc hỗ trợ Ucraina. 

Thủ tướng Séc Petr Fiala vừa tuyên bố, nước này sẽ không tham gia vào chương trình mua vũ khí của Mỹ cho Ukraine vào thời điểm hiện tại, đồng thời nhấn mạnh, Séc đang tập trung vào các dự án hỗ trợ Ukraine khác thay vì tham gia chương trình này. Bộ Quốc phòng Séc cũng xác nhận không có kế hoạch tham gia chương trình mua sắm vũ khí từ Mỹ để chuyển cho Ukraine. Hiện Séc đang ưu tiên thực hiện các sáng kiến hiện có như Sáng kiến đạn dược, đồng thời hỗ trợ sửa chữa thiết bị quân sự của Ukraine.

Trong một động thái liên quan, Hungary cũng từ chối tham gia chương trình mua vũ khí của Mỹ để hỗ trợ Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó tái khẳng định chính sách của nước này không can thiệp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng thời nhấn mạnh, Hungary sẽ không gửi tài chính, vũ khí và binh lính đến Ukraine trong bất kỳ trường hợp nào. Ngoài việc từ chối tham gia vào sáng kiến trên, Bộ trưởng Péter Szijjártó cũng cho biết, Hungary sẽ phản đối nếu sáng kiến này chính thức được đề xuất trong Liên minh châu Âu (EU). 

Trước đó, ngày 14/7, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cho biết, một số quốc gia như Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy,.. đã cam kết tham gia sáng kiến của Tổng thống Trump, theo đó, Mỹ sẽ bán gói vũ khí trị giá khoảng 10 tỷ USD (bao gồm tên lửa, đạn pháo) cho các đồng minh NATO, sau đó những nước này sẽ chuyển cho Ukraine.

Theo giới phân tích, quyết định của Séc và Hungary không tham gia vào sáng kiến mua vũ khí của Mỹ để viện trợ Ukraine cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận đối với cuộc xung đột Ukraine giữa các thành viên trong Liẻn minh NATO và EU. Với Cộng hòa Séc, điều này thể hiện một chiến lược hỗ trợ có chọn lọc, tập trung vào những đóng góp thiết thực thay vì mở rộng cam kết. Trong khi đó, Hungary tiếp tục kiên định trong chính sách không viện trợ tài chính và vũ khí cho Ukraine. Những lập trường khác biệt này đặt ra thách thức với sự đoàn kết trong NATO và EU, cũng như sự thống nhất quan điểm của các nước châu Âu về cách thức hỗ trợ Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận