Chuyên gia ADB khuyến nghị các trọng tâm để Việt Nam duy trì đà tăng trưởng nhanh
VOV1 - Giải ngân vốn đầu tư công, khả năng thu hút FDI và việc nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất toàn cầu sẽ là các trọng tâm chính mà Việt Nam nên lưu tâm để thúc đẩy nền kinh tế.

 

Về mục tiêu tăng trưởng 8% mà Chính phủ Việt Nam đặt ra cho năm 2025, các chuyên gia ADB nhận định, đây là mục tiêu khá tham vọng, cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong quá trình tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045. ADB đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng vào quá trình cải cách bộ máy nhà nước của Việt Nam. Việc các bộ ngành đã sáp nhập, cùng nhiều tỉnh thành đang trong quá trình nghiên cứu sáp nhập cho thấy những nỗ lực để đơn giản hoá bộ máy, rút gọn quá trình ra quyết định. Những quyết định mà trước đây phải chờ cấp trung ương giải quyết thì giờ đây đã được phân bổ về cho các địa phương. Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, những cải cách đang diễn ra hiện nay đã bắt đầu cho thành quả đầu tiên.

"Quá trình cải cách bộ máy nhà nước được kỳ vọng có thể đem lại hiệu quả cao hoạt động nhà nước và thúc đẩy tăng trưởng. ADB tin rằng, sự thay đổi này có thể thúc đẩy một nền kinh tế tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn, mang lại cơ hội thúc đẩy kinh tế trong nước, tăng hiệu quả quản trị, đồng thời thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tư nhân. Chính nhờ môi trường trong nước vững vàng, Việt Nam sẽ giảm thiểu được những tác động từ bên ngoài." 

Các chuyên gia của ADB khuyến nghị, để giữ tăng trưởng ở mức cao, có một số yếu tố Việt Nam cần quan tâm thúc đẩy. Trong đó, quan trọng nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công. Cần đảm bảo điều hướng đầu tư công vào các dự án để làm mới các lĩnh vực trọng điểm như cơ sở hạ tầng, sản xuất, từ đó tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Điều này cũng sẽ giúp tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ngân hàng ADB tại Việt Nam, nhận định: 

"Trong vài tháng qua, ADB đã có cơ hội làm việc với một số tỉnh thành tại Việt Nam. Chúng tôi có thể thấy rõ sự nghiêm túc, khẩn trương trong việc giải ngân vốn đầu tư công ở cấp độ địa phương. Việc giải ngân được 79  tỷ đồng trong quý đầu tiên thực sự là một minh chứng mạnh mẽ cho điều này. Ví dụ với các dự án của ADB đang được triển khai trong nhiều năm qua, chúng tôi đã thấy được quyết tâm mới và năng lượng mới để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đây là một tin rất tốt và tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng hướng."

Về khả năng thu hút FDI, đây vốn là thế mạnh của Việt Nam. Dòng vốn FDI tích cực với hơn 38 tỷ đô-la đầu tư nước ngoài trong năm 2024 là một trong những động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ADB cho rằng, tiềm năng thu hút FDI không chỉ ở Việt Nam, mà cả khu vực, có thể sẽ bị ảnh hưởng sau khi Mỹ chính thức áp thuế đối ứng với từng quốc gia. Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ có xu hướng e ngại và chờ đợi những diễn biến tiếp theo để đưa ra quyết định. Do đó, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc ADB tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị: 

"Cần lưu ý bởi hiện đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu là vào các lĩnh vực sản xuất để phục vụ xuất khẩu và bất động sản, nhưng không nhiều đầu tư vào cơ sở vật chất. Thực ra có rất nhiều dự án đầu tư tiềm năng như năng lượng tái tạo, gió ngoài khơi, các chương trình hiệu quả năng lượng,... Thứ 2 là hãy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của các bạn tới những quốc gia mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do như EU, Anh, Hàn Quốc,...Thứ 3 là thúc đẩy hợp tác trong khu vực. ASEAN có tiềm năng lớn nhờ dân số đông nên điều quan trọng là đảm bảo việc vận chuyển hàng hoá, dịch vụ một cách thông suốt trong khu vực."

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á, ADB dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng 6.6%, mức khá cao trong khu vực. Việt Nam hiện cũng nổi lên như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn, với vai trò ngày một quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, việc tiếp tục đơn giản hoá quy trình, đổi mới sáng tạo, đưa ra các chính sách linh hoạt, hiệu quả hơn, sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó cải thiện lộ trình phát triển kinh tế và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn.

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận