Cùng với việc điều chỉnh chương trình học, các trường tại Philippines cũng đầu tư thêm các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, đề phòng các đợt nắng nóng khắc nghiệt đến sớm do biến đổi khí hậu.
Cô Lolita Akim - Giáo viên Trường Tiểu học Benigno S. Aquino cho biết, nhà trường đã tăng cường thêm 5 chiếc quạt đứng cho mỗi phòng học để giúp các em học sinh giảm bớt cái nóng như thiêu đốt ở Manila. Là một giáo viên, cô Akim đang ở tuyến đầu trong “cuộc chiến” làm sao giữ an toàn và đảm bảo sức khoẻ cho những em học sinh nhỏ tuổi mỗi khi đến lớp: “Các bạn thấy đấy, thời tiết những ngày này đã khiến các con luôn ướt đẫm mồ hôi; các con trở nên khó chịu và không thể ngồi yên. Việc yêu cầu các con tập trung chú ý học tập còn khó khăn hơn”.

Tại các trường trung học, tình hình cũng không khả quan hơn. Hầu hết các lớp học đều không có điều hoà, học sinh luôn phải bật những chiếc quạt cá nhân để giữ mát cho cơ thể. Cô Rizzadel Manzano – Giáo viên Trường Trung học Corazon C. Aquino cho biết: “Các em không thể ngồi yên được do quá nóng, chủ yếu là tìm cách để làm sao bớt nóng thôi chứ chẳng còn tâm trí nào học tập hay thảo luận nữa. Thực sự rất khó”.
Nhìn lại năm ngoái, theo Bộ Giáo dục Philippines, khoảng 6 triệu học sinh đã phải nghỉ học tới 2 tuần học khi nhiệt độ đạt mức kỷ lục 38,8 độ C. Các trường học đã báo cáo các trường hợp học sinh kiệt sức vì nóng, sốc nhiệt, chảy máu mũi và nhập viện. Đây là lần đầu tiên nhiệt độ tăng cao đến ngưỡng nguy hiểm khiến các lớp học bị tạm dừng trên diện rộng, dẫn đến một loạt xáo trộn trong chương trình học. Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ cực cao là dấu hiệu rõ ràng của biến đổi khí hậu, chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt; cùng hiện tượng El Nino.
Để chủ động ứng phó, năm nay, chương trình học của các trường tại Philippines đã được bắt đầu sớm hơn 2 tháng so với bình thường, đồng nghĩa, học kỳ sẽ kết thúc trước khi đạt đỉnh nhiệt vào tháng 5. Bà Jocelyn Andaya, Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục phụ trách các hoạt động ngoại khóa cho biết: “Năm nay, dự kiến năm học sẽ kết thúc ngay trong tháng 4 này, để học sinh không phải đến lớp vào những này cao điểm nắng nóng nữa. Chúng tôi nghĩ tất cả đã có phương án sẵn sàng nên chủ động hơn so với năm ngoái”.

Trước đó ngay từ đầu mùa nóng, các lớp học đã được sắp xếp lại để học sinh không phải tiếp xúc với nắng nóng; cùng đó là trang bị thêm quạt và các bình nước sạch. Các buổi học trên lớp đã được rút ngắn xuống còn 4 giờ/ngày để tránh ánh nắng gay gắt giữa trưa, chương trình cũng được lược bớt, tài liệu được in sẵn phòng trừ có tình huống bất ngờ phải học tại nhà.
Các động thái này cho thấy sự chủ động của chính quyền và các nhà trường tại Philippines để ứng phó với xu hướng nhiệt độ ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu gây ra. Cũng bởi, nguồn lực và cơ sở vật chất của Philippines trong các nhà trường hiện rất hạn chế. Dự báo năm nay, nhiệt độ tại hầu hết các vùng trên khắp Philippines dao động giữa mức “cực kỳ thận trọng” và “nguy hiểm” theo hệ thống cảnh báo nhiệt của chính phủ, đặc biệt là vào tháng 4 và tháng 5./.
Bình luận