Theo nghiên cứu từ Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch (ICCT), Brazil là một trong số ít quốc gia trên thế giới có lượng khí thải từ giao thông cao hơn cả ngành sản xuất điện. Nguyên nhân là bởi phần lớn điện của Brazil được sản xuất từ các nguồn năng lượng sạch như thủy điện, trong khi giao thông vẫn phụ thuộc đáng kể vào nhiên liệu hóa thạch và ethanol. Chính vì vậy, việc chuyển dịch sang phương tiện giao thông không phát thải như xe điện không chỉ đơn thuần là sự thay đổi thói quen sang một lựa chọn “xanh” hơn của người tiêu dùng, mà còn là một giải pháp mang tính chiến lược để hiện thực hóa cam kết trung hòa carbon của quốc gia này vào năm 2050. Ông Andre Cieplinski, chuyên gia tại Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch (ICCT), nhận định:
“Do đặc thù phát thải tại Brazil, các công nghệ giao thông bền vững như xe điện được kỳ vọng sẽ tạo ra tác động tích cực đáng kể. Những chiếc xe này, trong suốt vòng đời sử dụng, có thể giúp cắt giảm đến 65% lượng khí thải so với xe chạy bằng xăng hoặc ethanol trung bình tại đây.”

Nắm được vai trò then chốt của xe điện trong chiến lược giảm phát thải quốc gia, chính phủ Brazil thời gian qua cũng đã từng bước đặt nền móng cho một cuộc cách mạng toàn diện trong hệ thống giao thông công cộng, với trọng tâm là điện khí hóa hệ thống xe buýt đô thị. Hướng đi này không chỉ nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mà còn thể hiện quyết tâm hiện thực hóa định hướng phát triển bền vững trong lĩnh vực vận tải - vốn chiếm tỷ trọng phát thải lớn tại quốc gia này. Đồng hành cùng chính phủ và các địa phương, Viện Chính sách Giao thông và Phát triển (ITDP) tại Brazil đang đóng vai trò trung tâm trong tiến trình chuyển đổi này. Bà Clarisse Cunha Linke, Giám đốc ITDP tại Brazil, cho biết:
“Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với nhiều đối tác và đơn vị Bộ, Ban, Ngành tại Brazil. Đây không chỉ là câu chuyện thay thế phương tiện, mà là cả một hệ sinh thái mới – từ xây dựng hạ tầng, phối hợp với các ngành như năng lượng, cho đến đáp ứng nhu cầu đa dạng của hơn 5.000 đô thị trên khắp Brazil – nơi đang vận hành tổng cộng hơn 100.000 xe buýt. Nhiều nơi hiện vẫn tồn tại các khu dân cư nghèo thiếu hạ tầng cơ bản, người dân dễ bị tổn thương hơn trước tình trạng ô nhiễm khí thải – và chính những khu vực như vậy cần được ưu tiên trong quá trình chuyển đổi.”
Với những cam kết mạnh mẽ từ chính phủ và sự đồng hành của các tổ chức như ITDP, cùng xu hướng tiêu dùng bền vững của người tiêu dùng tại Brazil, quốc gia này đang cho thấy quyết tâm trở thành hình mẫu trong việc phát triển hệ thống giao thông công cộng sạch, bền vững và toàn diện. Đây không chỉ là một giải pháp chống biến đổi khí hậu, mà còn góp phần xây dựng các đô thị đáng sống hơn cho hàng triệu người dân./.
Trang Linh
Bình luận