
Để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà để tăng trưởng ở mức hai con số từ năm 2026 - thì mỗi năm điện phải tăng từ 12% trở lên. Đây là một thách thức rất lớn. Nếu không có giải pháp kịp thời để phát triển nguồn điện và lưới truyền tải điện thì nguy cơ thiếu điện ngay trong năm sau rất hiện hữu. Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng/điện xanh, sạch, đảm bảo an ninh năng lượng trong kỷ nguyên mới chính là tuân thủ theo các nguyên tắc của thị trường và tạo lập niềm tin cho nhà đầu tư.
Nghe tại đây:
“Việt Nam - đất nước đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với yêu cầu và khát vọng rất lớn: phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, để nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước tăng trưởng kinh tế trên 10% trong những năm tới. Để đạt được mục tiêu đó có đòi hỏi nhiều vấn đề, trong đó, cần phải đủ năng lượng để kiến tạo một kỷ nguyên mới”. Đó là khẳng định của chuyên gia kinh tế - TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội năng lượng Việt Nam, hệ thống điện quốc gia đang có khoảng 85.000MW (công suất lắp đặt) nguồn điện, trong đó năng lượng tái tạo (không kể thuỷ điện) đang chiếm khoảng 30% nhưng chỉ đóng góp khoảng 13% công suất sản lượng; thuỷ điện đang chiếm gần 28% nhưng lại phụ thuộc vào thời tiết (mưa/nắng); nhiệt điện than đang chiếm 32,6% nhưng cũng chỉ đảm bảo chạy tối đa 7.000/8.760 giờ/năm. Trong khi dữ liệu thống kê của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (nay là Công ty vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia - NSMO) công suất đỉnh của hệ thống điện toàn quốc - vào cao điểm hè năm 2024 đã lên tới gần 50.000MW - với sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày cao nhất đã vượt qua 1 tỷ kWh (ngày 14/6/2024 lên tới 1,025 tỷ kWh). Điều này cho thấy khả năng cung cấp điện cho hệ thống đã tới hạn, nhiều thời điểm thiếu công suất dự phòng. Nếu không phát triển nhanh các dự án điện (bao gồm cả nguồn và lưới điện) nhất là các nguồn điện lớn, ổn định thì nguy cơ thiếu điện rất hiện hữu. Nhất là trong bối cảnh đáp ứng yêu cầu tăng trưởng cao của nền kinh tế trong dài hạn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội năng lượng Việt Nam chỉ ra 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm tiến độ và khả năng hoà lưới các dự án điện thời gian qua, nhất là các dự án năng lượng tái tạo: "Thứ nhất là việc chậm ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Chúng ta biết là sau một năm Quy hoạch điện 8 được phê duyệt thì Kế hoạch mới được ban hành. Lần này chúng tôi được biết Chính phủ yêu cầu phải làm rất sớm, nghĩa là sau khi điều chỉnh Quy hoạch thì phải có Kế hoạch ngay, chứ không lại để thêm một thời gian dài nữa thì lại để chậm. Thứ hai nữa là việc giải quyết quá chậm các dự án thiếu/hoặc vi phạm các quy định theo Kết luận Thanh tra Chính phủ. Thứ ba nữa là việc chững lại là do còn thiếu - mặc dù các quy định về điện gió ngoài khơi đã được cụ thể hơn, đã được chi tiết hơn nhưng vẫn chưa đủ để mà triển khai được một dự án điện gió ngoài khơi, chưa có dự án nào được khởi động, cho nên chúng tôi vẫn đánh giá là khó hoàn thành mục tiêu 6.000MW vào năm 2030".
Theo bản Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch điện 8 được Bộ Công Thương trình Thủ tướng chính phủ cuối tháng 3/2025, cùng với điện hạt nhân, thuỷ điện tích năng thì nguồn điện năng lượng tái tạo và pin lưu trữ năng lượng được gia tăng đáng kể. Nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án nguồn và lưới truyền tải điện đến năm 2030 lên tới hơn 136 tỷ USD (cao hơn nhu cầu vốn trong 10 năm của Quy hoạch điện 8 hiện hành). Theo ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT), thời gian chỉ còn hơn 5 năm để hiện thực hoá bản Quy hoạch này, nên rất cần tăng cường cơ chế để tạo lập niềm tin, “chia sẻ rủi ro” cũng như đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư, định chế tài chính nước ngoài. "Nếu chúng ta tiếp tục đi theo các cơ chế hiện nay - ngay cả với một số các Nghị định mới về cách tính giá điện thì vẫn chưa đảm bảo được việc thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển năng lượng, mà chúng ta thấy là con số - nếu theo cái mới là lên tới 136 tỷ USD… Phải tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng cách có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam và những nhà công nghệ trên thế giới thì chúng ta mới có công nghệ quốc gia. Có công nghệ quốc gia, tạo việc làm trong nước, đồng thời là sẽ kéo được giá thành của điện năng xuống. Giá thành năng lượng xuống thì nền kinh tế chúng ta mới cạnh tranh, mới phát triển được" - ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng cần phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Luật điện lực (sửa đổi) đã có hiệu lực từ tháng 2/2025, nhưng không phải chỉ đơn giản là rà soát, bãi bỏ, hay làm giảm tính mâu thuẫn, chồng chéo mà cần phải cụ thể hóa bằng những hướng dẫn mới sao cho không lặp lại những điểm nghẽn đã gặp phải trong các chính sách cũ. Có như vậy mới “tiếp sức” để Việt Nam chuyển dịch năng lượng bền vững hơn cũng như tránh được “những rủi ro không đáng có” cho tất cả các bên, đặc biệt là cho các nhà đầu tư. "Một điểm mà tôi kỳ vọng rất lớn, đó là việc đưa các công cụ và các cơ chế thị trường - bên cạnh các cơ chế hành chính để chúng ta có thể tiếp sức được cho cuộc đua năng lượng thành công, để Việt Nam có thể vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn tới, nhưng đồng thời cũng đạt được các mục tiêu chuyển dịch, chuyển đổi xanh và thực hiện cam kết Net zero của Chính phủ vào năm 2050" - TS Nguyễn Quốc Việt lưu ý.

Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, hiện nay Quốc hội đang đẩy mạnh việc điều chỉnh, sửa đổi nhiều chính sách liên quan đến năng lượng, như Luật năng lượng nguyên tử, Luật sử dụng năng lượng TK&HQ… Để thực thi Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành được 5/6 Nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn 2 Quyết định cấp Chính phủ và nhiều Thông tư cấp Bộ cũng cần phải đẩy nhanh trong thời gian tới. "Đề nghị là chúng ta cũng quan tâm và dành mức độ để sắp tới chúng ta hoàn thiện hơn các chính sách, đó là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Thì chúng tôi thấy chỗ này là một chính sách - vừa rồi thì chúng ta nói nhiều về sự tham gia của khu vực tư nhân - thì cái này sắp tới chúng ta phải tiếp tục cụ thể hóa như thế nào đó để các chính sách đó thực sự thiết thực và hiệu quả, đi vào cuộc sống".
Theo các chuyên gia, việc xem xét bổ sung 142 dự án điện mặt trời từng vướng mắc pháp lý vào Quy hoạch điện 8 và theo kế hoạch Quy hoạch điện 8 điều chỉnh (dự kiến sẽ được phê duyệt vào giữa tháng 5 năm 2025), thể hiện nỗ lực rất cao của Chính phủ và các bộ ngành liên quan trong việc tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi thực thi cho các dự án chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời...) còn gặp nhiều khó khăn do giá điện chưa thực sự hấp dẫn, quy trình thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư còn phức tạp. Hay các dự án điện gió ngoài khơi yêu cầu vốn đầu tư lớn, công nghệ phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng kéo dài. Do đó, còn nhiều vấn đề cần làm rõ, cần sự thông hiểu giữa các bên liên quan, nhằm cùng tìm các giải pháp tối ưu cho các bài toán cụ thể, trong đó, kinh nghiệm thực tiễn quốc tế cũng như phân tích, đánh giá của chuyên gia có ý nghĩa quan trọng.
Rõ ràng, với một nguồn tài chính lớn, lên tới hàng trăm tỷ đô la cho phát triển các dự án điện thì việc tạo cơ chế, lòng tin để huy động vốn đầu tư từ thị trường vốn thế giới cũng như các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) là hết sức quan trọng. Cùng với đó, cũng cần coi trọng nguồn lực trong nước, thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng tái tạo hay các hạng mục trong các công trình, dự án điện để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, phát huy nội lực sẽ cho sự phát triển bền vững, lâu dài./.
## BOX: Theo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước giai đoạn đến 2030 (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) là 183.291 đến 236.363 MW, tăng thêm khoảng 27.747- 80.819 MW so với Quy hoạch điện 8. Quy hoạch điện 8 điều chỉnh cũng nâng tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện mặt trời), nguồn điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, điện địa nhiệt, lưu trữ và nguồn điện linh hoạt, đặc biệt là bổ sung nguồn điện nguyên tử hạt nhân với công suất đạt khoảng từ 6.000- 6.400 MW, dự kiến vận hành vào giai đoạn 2030-2035. Đây là nguồn năng lượng được xác định không chỉ cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà còn là nguồn năng lượng xanh, sạch giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050./.
Bình luận