Hòa chung không khí đón giao thừa với đồng bào cả nước, đêm qua (21/1), tức ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần, đông đảo bà con người Việt đang sinh sống, làm việc tại Lào đã đến các ngôi chùa Việt tại Thủ đô Vientiane để đón giao thừa, cầu mong cuộc sống bình an, nhà nhà hạnh phúc.
Năm Nhâm Dần sắp kết thúc với nhiều cung bậc cảm xúc. Một vị thế Việt Nam được nâng tầm - Một Việt Nam bền bỉ chống chịu với khó khăn của kinh tế, dịch bệnh - Một Việt Nam kiến tạo, hành động, hướng đến sự tiến bộ, văn minh - Một Việt Nam thành công trên con đường hội nhập và phát triển. Những thành tựu đó đặt nền móng vững chắc để chúng ta tự tin rằng: Đất nước, dân tộc Việt Nam luôn biết cách vượt qua mọi thử thách, mọi gian nan. Bằng quyết tâm, ý chí và sự bền bỉ, kiên gan – hãy cùng thắp sáng Khát vọng Việt Nam. Trong thời khắc chuyển giao năm cũ - đón chào năm mới Quý Mão 2023, hãy cùng chúng tôi lắng mình, nhìn lại – và cùng hy vọng vào tương lai đất nước, con người Việt Nam – khi bản sắc Việt, giá trị Việt, con người Việt đang dần hiện hữu và lan tỏa mạnh mẽ - toàn cầu trong chương trình phát thanh đặc biệt của Đài TNVN: Xuân Việt- bừng Trí Việt.
Một năm đi qua với nỗ lực của các cấp, các ngành trong phục hồi và phát triển kinh tế hậu COVID 19. Không thể phủ nhận, dịch bệnh, cũng như những biến động bất lợi của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất- kinh doanh, xuất khẩu của Việt nam, cũng như đời sống của nhân dân. Nhưng nền kinh tế của nước ta vẫn đạt một số kết quả khả quan, tiếp thêm niềm tin và hy vọng về một Việt nam phục hồi và phát triển. Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 730 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 27,72 tỷ USD, thu ngân sách vượt dự toán 26,4%....là những minh chứng thể hiện sức bật nội sinh và những biện pháp sớm khôi phục nền kinh tế, mở cửa trở lại đúng thời điểm của Việt nam. Vượt mọi khó khăn, hàng loạt các quyết sách quan trọng được ban hành, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực cũng được triển khai thông suốt, đồng bộ, đồng lòng từ Đảng- Quốc hội- Chính phủ đến toàn hệ thống chính trị tạo tiền đề phát triển cho đất nước. Năm 2023, “Phát triển- Hội nhập- Đổi mới sáng tạo” không ngừng là khát vọng và niềm tin đưa Việt nam đạt nhiều thành công trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, vượt qua thách thức bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt nam. Trong Chương trình Dòng chảy kinh tế với chủ đề “Xuân Việt- Sáng tạo Việt”, chúng ta sẽ cùng nhìn lại sự nỗ lực của các cấp, các ngành, những cách làm hay của cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua thử thách, đọng lại khát vọng về một đất nước Việt nam phát triển phồn vinh trong tương lai.
Thời điểm để người Việt sống xa quê nhớ về nguồn cội, không có gì thiêng liêng hơn là Tết cổ truyền dân tộc. Hương vị Tết quê hương là nỗi khắc khoải hơn bao giờ hết. Có những người lần đầu trải nghiệm Tết xa quê, có người đã nhiều năm chưa thể về đoàn tụ với gia đình, nhưng dù khoảng cách có bao xa, thời gian có bao lâu thì những ký ức, hương vị Tết đặc trưng là bữa cơm sum họp, là nước lá mùi già ngày 30 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí họ.
Những ngày này, cộng đồng người Việt tại LB Nga dù bận rộn mưu sinh, cũng cố gắng dành thời gian sắm sửa, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Vượt qua vô vàn khó khăn trong năm 2022, bà con hy vọng, Năm Mới 2023 sẽ mang đến những điều may mắn, bình an, kinh doanh thuận lợi, để những người chưa có điều kiện về quê, thì năm sau sẽ được đón Tết sum vầy cùng gia đình, người thân ở trong nước.
Hoà chung không khí đón mừng Năm mới của cả nước, tối 19/01, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức chương trình “Mừng xuân Quê hương, chào năm Quý Mão 2023”.
Nói tiếng Việt thành thạo, quen thuộc với văn hóa Việt và chứng kiến sự đổi thay của đất nước tươi đẹp qua những dấu mốc lịch sử quan trọng, Đại sứ Palestine Saadi Salama là một người rất am hiểu Việt Nam. Cảm nhận về con người và đất nước Việt Nam đã được Đại sứ Saadi Salama chia sẻ trong Cuốn sách “Câu chuyện Việt Nam của tôi” vừa ra mắt ngay trong những ngày đầu năm 2023. Đây là cuốn hồi ký chân thực, thú vị và cảm động của một nhà ngoại giao nước ngoài đã có nhiều năm học tập và làm việc tại Việt Nam. Trong lời tựa của cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã viết: “Cảm nhận của ông về con người và đất nước Việt Nam làm cho chính người Việt Nam nhận ra những vẻ đẹp mới trong văn hóa của xứ sở mình. Ông mang một cách nhìn từ một nền văn hóa khác, từ một vùng địa lý khác, và từ một tôn giáo khác để làm cho Việt Nam hiện ra trong tinh thần mới mẻ.”
Gần 3 năm qua, cuộc sống của nhiều người Nga tại thành phố Nha Trang bị đảo lộn do dịch bệnh Covid-19. Gần đây, khi dịch bệnh được kiểm soát thì cuộc sống của người Nga tại Nha Trang lại đối mặt với nhiều khó khăn vì ảnh hưởng xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina. Họ được cộng đồng người Việt cưu mang, đùm bọc và cùng đón Tết Việt trong niềm vui của mùa xuân mới.
Nhằm tạo không khí vui tươi, đầm ấm cho cán bộ, nhân viên cũng như đại diện bà con cộng đồng đón Tết Quý Mão 2023, ngày 17/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức gói bánh chưng. Trong điều kiện khó khăn đặc biệt tại địa bàn trong suốt cả năm 2022, đây là cố gắng lớn.
“Hội nghị Paris đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đã tôi luyện nên những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh; để lại những bài học lớn cho ngành ngoại giao trong bối cảnh mới”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Cùng dự lễ kỷ niệm có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành Ngoại giao, trong đó có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973 và nhiều nhân chứng lịch sử khác.
Đang phát
Live