Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Tăng cường năng lực các bên tham gia trong chuỗi giá trị vải thiều
VOV1 - Tiêu thụ vải thiều nói riêng, nông sản chính vụ nói chung không chỉ là bài toán mùa vụ, mà là chiến lược lâu dài cần sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Mỗi mùa vải thiều đến, câu chuyện đầu ra lại trở thành nỗi lo thường trực với nông dân ở địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Bắc Giang, Hải Dương - vùng trọng điểm trồng vải thiều ở miền Bắc. Mặc dù sản lượng tăng cao, chất lượng tốt hơn, nhưng giá cả và thị trường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiêu thụ nông sản chính vụ không chỉ là bài toán mùa vụ, mà là chiến lược lâu dài cần sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người dân. Phóng viên Minh Long phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy về vấn đề này. 

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ngoài tỉnh Bắc Giang, vụ hè tới còn có rất nhiều địa phương khác cũng sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ trái vải, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có những chiến lược như thế nào đối với cây vải để sớm chỉ đạo về mặt thị trường cũng như giá cả?

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Đối với vải thiều, thu hoạch vải có tính chất mùa vụ rất cao với thời gian rất ngắn chỉ từ 1 đến 2 tháng và sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là quả vải tươi. Do vậy, để bảo đảm được thị trường cũng như giá cả ổn định, ngay từ sớm, từ xa, ngay từ đầu năm Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động cùng với các địa phương xây dựng kế hoạch đặc biệt là các hoạt động trong chính vụ thu hoạch như: thu hoạch, bảo quản, chế biến và đặc biệt là tiêu thụ. Bộ đã hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương chuẩn bị các điều kiện hạ tầng cho việc thu hoạch, vận chuyển, sơ chế và đặc biệt là bảo quản quả vải tươi để bảo đảm không bị áp lực vào những thời điểm chính vụ. Thứ hai, chuẩn bị đầy đủ hạ tầng và nhân lực cho việc kiểm dịch thực vật cũng như kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với quả vải tươi, nhất là xuất khẩu. Bộ cũng triển khai các hoạt động như: phối hợp với chuyên gia của các nước nhập khẩu, các cơ quan hải quan tại các cửa khẩu để tiến hành các hoạt động “tiền kiểm” cũng như mở “luồng xanh” cho vải xuất khẩu tại các cửa khẩu. Đồng thời phối hợp với các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp cũng như các hộ nông dân thực hiện các hoạt động kết nối trong tiêu thụ quả vải, kể cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Đặc biệt ưu tiên cho các thị trường xuất khẩu đòi hỏi yêu cầu cao về kiểm dịch thực vật cũng như kiểm tra chất lượng an toàn sản phẩm, đẩy mạnh thị trường trong nước thông qua các chuỗi siêu thị, sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối khác. Bên cạnh đó, duy trì các đầu mối cũng như các đường dây nóng để cung cấp kịp thời thông tin về thị trường và các thông tin cần thiết liên quan cho doanh nghiệp và người dân để chủ động trong việc thu hoạch cũng như tiêu thụ các sản phẩm vải thiều. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với các địa phương cũng như các doanh nghiệp để nâng cao năng lực tạm trữ thông qua các hệ thống kho lạnh, vận chuyển hàng hóa bằng công ten nơ lạnh, nâng cao quy mô sản phẩm và chế biến để đa dạng hóa sản phẩm tránh không chịu áp lực quá lớn trong những thời điểm chính vụ khi mà chỉ xuất khẩu đến một số thị trường như giai đoạn trước đây.

Phóng viên: Mùa hè có thể nói là mùa vụ trái cây, ngoài cây vải còn có rất nhiều loại trái cây khác vào chính vụ. Vậy Bộ có những định hướng và chỉ đạo sớm như thế nào để khi các loại trái cây khi vào vụ thu hoạch tránh được tình trạng phải giải cứu hay nông sản rớt giá, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Vấn đề quan trọng đầu tiên đó là phải nâng cao năng lực dự báo, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp và người dân, tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường để không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu, nhất là trong những thời điểm chính vụ. Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp để mở rộng các cơ sở chế biến, bảo quản nhất là các kho tạm trữ trong những thời điểm chính vụ, có thể mở rộng việc mua tạm trữ để xuất khẩu trong thời gian dài để tránh áp lực trong thời gian ngắn mà phải giải quyết một khối lượng hàng hóa rất lớn. Bên cạnh đó, mở rộng và đa dạng hóa các loại thị trường xuất khẩu thông qua hỗ trợ đàm phán, dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Ngoài những thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản thì mở rộng ra các thị trường khác mà hiện nay khả năng tiêu thụ sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng rất tốt như: Nam Mỹ, Châu Phi hay là thị trường Trung Đông…, khi đa dạng hóa thị trường thì sẽ giảm bớt rủi ro khi có sự biến động hay là vướng mắc đối với một thị trường nào đó. Cuối cùng là thông tin về thị trường cũng như thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là hết sức quan trọng, vì vậy phải duy trì thường xuyên việc cung cấp kịp thời thông tin cũng như đồng hành hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là các vấn đề liên quan đến kiểm dịch thực vật, kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm là những khâu bắt buộc phải triển khai trong quá trình xuất khẩu nông sản, giá thị trường trên thế giới.

Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN!

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận