# Theo dữ liệu mới nhất do Cơ quan Quản lý Bệnh truyền nhiễm (CDA) của Singapore công bố, nước này có 151 trường hợp nhiễm virus HIV mới vào năm 2024, trong đó 78 trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn muộn của bệnh. Khoảng 62% các trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện trong quá trình chăm sóc y tế, phần lớn đã sang giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Những người được chẩn đoán ở giai đoạn cuối thường đã phải chịu những biến chứng nghiêm trọng do hệ thống miễn dịch suy yếu. Điều trị cho bệnh nhân giai đoạn cuối không chỉ bao gồm việc ức chế virus để ngăn ngừa tổn thương hệ miễn dịch thêm mà còn phải kiểm soát các bệnh đồng thời.
# Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các đơn vị về việc tăng cường công tác khám, phát hiện, điều trị ca bệnh Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế cho hay, hiện nay trên thế giới đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan... Riêng tại Thái Lan, số ca mắc Covid-19 đã tăng vọt với tổng cộng hơn 71.000 ca nhiễm và 19 ca tử vong. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong. Để chủ động ứng phó với tình hình bệnh dịch Covid-19, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị giám đốc các bệnh viện, giám đốc sở y tế rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 của tỉnh, của cơ sở khám chữa bệnh theo dự báo tình hình bệnh dịch.
# Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 15 (15/6/2025) từ tháng 5 đến tháng 6/2025 tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động chính bao gồm: Tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết; phát động cộng đồng tham gia hoạt động diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, chủ động phòng, chống sốt xuất huyết tại các xã, phường, thị trấn có yếu tố nguy cơ cao; tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân; kiểm tra việc tổ chức thực hiện hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết”.
# Ngày 24 và 25-5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phối hợp với đoàn bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Tiếp - chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình nhi, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức khám và phẫu thuật các bệnh lý dị tật ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và những tỉnh lân cận. Theo đó, 2 đơn vị sẽ kết hợp khám các bệnh lý dị tật bẩm sinh về hệ vận động trẻ em; các di chứng chấn thương, bỏng; gãy xương; tạo hình sẹo xấu, co rút cơ quan vận động; phẫu thuật gãy xương phức tạp ở chân, tay. Thời gian khám từ 8 giờ đến 10 giờ. Địa điểm tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
# Thời gian vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận hai trường hợp ngộ độc Paracetamol nghiêm trọng ở độ tuổi học sinh. Nguyên nhân đều do tự ý sử dụng thuốc giảm đau tại nhà mà không có chỉ định của bác sĩ. Cả hai bệnh nhân đều phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu, nguy hiểm đến tính mạng nhưng may mắn được phát hiện và điều trị kịp thời. Trước thực trạng trên, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn khuyến cáo: Người dân không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt khi không có chỉ định của bác sĩ; khi người bệnh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn.
# Bàng quang tăng hoạt hay hội chứng bàng quang kích thích (gọi tắt là OAB) là một trong những căn bệnh phổ biến ở đường tiết niệu. Theo Hội Niệu học quốc tế, chính Bàng quang tăng hoạt (OAB) là nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn tiểu tiện ở mọi lứa tuổi. Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang hoạt động quá mức, thường xuyên bị kích thích và co bóp ngay cả khi chưa đầy nước tiểu, tạo cảm giác buồn đi tiểu liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm, có thể có kèm theo tình trạng tiểu són, tiểu gấp, tiểu không kiểm soát (tiểu không tự chủ). Bệnh này gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, cuộc sống và công việc. Hiện nay có rất nhiều các phương pháp điều trị bàng quang hoạt động quá mức. Các lựa chọn có thể bao gồm sử dụng thuốc và không dùng thuốc để giảm triệu chứng và giảm sự thôi thúc đi tiểu nhiều.
Bình luận