Đưa chính sách mới vào cuộc sống, tạo đà phát triển nhà ở xã hội
VOV1 - Để hoàn thành mục tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, đưa các chính sách, quy định mới vào cuộc sống.

 

Tiếp tục cải cách thể chế, đưa các chính sách pháp luật mới đi vào cuộc sống, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nhà ở xã hội và phát triển an toàn, ổn định, bền vững thị trường bất động sản. Đó là chỉ đạo của Chính phủ cũng như định hướng của Bộ Xây dựng trong năm 2025:

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay trên địa bàn cả nước đã có 645 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 581.200 căn. Riêng năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành (tăng khoảng 46% so với năm 2023, tương đương khoảng 6.420 căn); 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng (tăng khoảng 13% so với năm 2023, tương đương khoảng 3.000 căn); Số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn (tăng khoảng 101% so với năm 2023).  Đối với Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư: các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay khoảng trên 4.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỷ đồng.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng thời gian qua, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội vẫn chưa được như kỳ vọng. Vì vậy,  Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần tiến hành tập trung hiểm tra việc tổ chức thực hiện các Luật quan đến chính sách nhà ở, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, sớm thành lập các đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện pháp luật này để kiểm tra việc thực hiện ban hành văn bản đủ chưa,, kinh nghiệm làm tốt và phát hiện những điều làm chưa tốt trong thực hiện các luật.

Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất cao từ các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cũng như doanh nghiệp. Bộ Xây dựng sẽ cùng các bộ, ngành phối hợp để tiếp tục đôn đốc các địa phương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung gói tín dụng ưu đãi cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội để triển khai hiệu quả hơn.

Hiện nay, nhiều địa phương đã có Kế hoạch để cụ thể hóa việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội theo nhiệm vụ được giao, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hàng năm; Rà soát, bổ sung quy hoạch, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Một số địa phương cũng đã có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội là một chủ trương đúng đắn, cấp thiết và đậm tính nhân văn, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp và trung bình, cũng như góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thực tế cũng đã cho thấy, từ khi có chương trình phát triển nhà ở xã hội, địa phương nào quan tâm thì công nhân lao động, người nghèo ở đó có điều kiện tiếp cận nhà ở và ngược lại, người lao động, người dân yên tâm an cư lạc nghiệp thì môi trường đầu tư, nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội cũng bền vững hơn./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận