Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng tiêu dùng có chiều hướng gia tăng. Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn ở địa bàn các tỉnh miền Trung và tuyến biên giới Việt – Lào. Việc vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, bách hóa tiêu dùng, thuốc lá…tại các khu vực giáp biên giới Việt- Trung, Việt Nam- Campuchia. Tình hình hoạt động của tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, tiền chất qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, đặc biệt là tuyến đường hàng không, bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh. Tính từ 15/12/2024 đến 14/1/2025, cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ tới hơn 1.400 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 1.400 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 7 vụ. Bà Nguyễn Phạm Như Hà, Phó Trưởng phòng Giám sát, Quản lý xuất xứ hàng hoá và sở hữu trí tuệ, Cục Quản lý giám sát về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết: Nắm được xu hướng hoạt động buôn bán hàng giả, hàng lậu cũng như hàng xâm phạm quyền, về phía Tổng cục Hải quan xây dựng những kế hoạch phòng chống hàng lậu, hàng giả cũng như hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ để từ đó phân loại được rủi ro, tập trung đúng lực lượng vào những mặt hàng rủi ro, tuyến đường rủi ro. Chúng tôi luôn phối hợp với các đơn vị thực thi khác như QLTT, các Sở quản lý về khoa học công nghệ ở những uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc xử lý những lô hàng vi phạm. Nếu những lô hàng thuộc thẩm quyền chức năng của đơn vị nào thì đơn vị đó đứng ra xử lý và cơ quan hải quan sẵn sàng cung cấp hồ sơ vụ việc.

Trong tháng đầu năm, thị trường sôi động hơn do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao dịp Tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm tiềm ẩn những diễn biến phức tạp của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, nhất là tại các tỉnh biên giới. Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay, cơ quan Công an tỉnh Lào Cai đã khởi tố 13 vụ, (tăng 4 vụ so với tháng 1 năm ngoái) với 30 đối tượng liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Thượng tá Trần Minh Hoạch, Trưởng phòng PC03, Công an tỉnh Lào Cai thông tin: Giai đoạn Tết, các quy luật cũng như các đối tượng lợi dụng tình hình về hành vi buôn lậu cũng như vận chuyển hàng cấm, hàng hoá trái phép qua biên giới có xu hướng gia tăng. Chúng tôi tập trung chủ động và phối hợp với các lực lượng tuyên truyền phổ biến cho người dân, đặc biệt là người dân sinh sống tại khu vực biên giới cũng như tại các cửa khẩu, trong đó triển khai các giải pháp để nhằm phòng ngừa loại tội phạm này…. Đối với hàng hoá lợi dụng chính sách là thông quan luồng xanh và luồng vàng vận chuyển vào trong nước thì chúng tôi kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt kiểm soát chặt chẽ liên quan đến hàng hoá khi các công hàng, cũng như hàng hoá vào thì có sự kiểm soát. Và lực lượng chức năng đã có máy soi chiếu hàng hoá trong công để xác định trong đấy có vận chuyển hàng hoá có đúng với giấy tờ hợp pháp hay không…
Nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vào sâu thị trường nội địa tiêu thụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp chân chính, gây thất thu ngân sách nhà nước, lực lượng QLTT lên kế hoạch cụ thể, triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường kiểm tra đột xuất, ngăn chặn hàng hoá do buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả thị trường truyền thống và trên không gian mạng. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kế hoạch Tài chính, Tổng cục QLTT, Bộ Công thương nêu rõ: Năm 2025, xác định lĩnh vực TMĐT vẫn là một lĩnh vực mà lực lượng QLTT tập trung đấu tranh trong khâu kiểm tra, xử lý. Theo đó, tập trung kiểm tra kiểm soát chặt chẽ các kênh kinh doanh online, sàn TMĐT, web, fb, zalo… nhằm kiểm soát chất lượng hàng hoá .Việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn và chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuyên truyền cho mỗi người dân đều hiểu cùng tham gia ngăn chặn bằng cách không mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhằm tiếp tục phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu các tỉnh, thành phố có biên giới giáp với các nước, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác để huy động sự tham gia và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp, kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đặc biệt, xác định đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, hàng giả, hàng kém chất lượng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và liên tục của tất cả các cấp, các ngành. Đồng thời, tập trung làm rõ các tổ chức, đường dây buôn lậu, nhất là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để hình thành điểm nóng, địa bàn phức tạp gây bức xúc dư luận xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật…/.
Bình luận