Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các tập đoàn đa quốc gia sử dụng mạng lưới công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện… để thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, chính những “liên kết nội bộ” này lại trở thành mảnh đất màu mỡ để chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận. Với Việt Nam, dù đã có nhiều cải cách và nỗ lực trong việc quản lý thuế, nhưng thực tế vẫn còn không ít doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lợi dụng kẽ hở này để làm giảm nghĩa vụ thuế. Vì vậy, việc siết chặt các quy định kiểm tra và triển khai các phương pháp kiểm soát chuyển giá trở thành nhiệm vụ cấp bách và lâu dài đối với cơ quan thuế.
Nhận thức rõ vấn đề chuyền giá là vấn đề xuyên biên giới, ngành thuế Việt Nam xác định, không thể hành động đơn độc, việc ký kết các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, tham gia diễn đàn BES và ban hành các quy định về giao dịch liên kết là bước đi tiến tới quyết tâm hội nhập. Tuy nhiên, chính sách pháp lý thôi chưa đủ, kiểm soát chuyển giá đòi hỏi kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng phân tích và am hiểu sâu về mô hình kinh doanh toàn cầu, vì vậy ngành thuế chú trọng hợp tác quốc tế; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức như JICA, OECD… Đây chính là chìa khoá để chuyển hoá nhận thức thành hành động, nâng cao hiệu quả chống chuyển giá trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Minh chứng rõ nét cho điều này là thời gian gần đây, ngành thuế đã tổ chức nhiều hội nghị chia sẻ kinh nghiệm kiểm tra đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết với sự tham dự của các tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế, cán bộ chủ chốt trong lĩnh vực thuế. Đây không chỉ là dịp cập nhật phương pháp trao đổi kỹ thuật nghiệp vụ mà còn là bước đi cụ thể, nhằm tăng cường năng lực thực thi, đảm bảo thực chất công tác chống chuyển giá tại Việt Nam. Ông NOGUCHI DAISUKE, Cố vấn Dự án và Chuyên gia JICA chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về cơ chế đàm phán song phương, trong đó việc cung cấp thông tin minh bạch, hợp lý được xem là yếu tố then chốt để các quốc gia, trong đó có Việt Nam có thể đưa ra quyết sách thuế công bằng và chính xác cho doanh nghiệp.
"Chúng ta biết rằng với thuế giá chuyển nhượng thì thường thường sẽ tính thuế thu nhập của một doanh nghiệp, nhưng có khả năng hai nước sẽ cùng đánh thuế đối với một doanh nghiệp toàn cầu, như vậy là thuế song trùng. Để giải quyết vấn đề tránh đánh thuế hai lần này chúng ta sẽ có các cơ chế đàm phán song phương. Để tham gia đàm phán song phương, đối với nước đánh thuế chúng ta sẽ phải cung cấp thông tin phù hợp, hợp lý để thấy rằng việc đánh thuế của mình là đúng, chính xác".
Bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, với làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị, các giao dịch liên kết ngày càng tinh vi đa dạng len lỏi trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đây vừa là thách thức vừa là phép thử cho năng lực quản lý thuế hiện đại. Dù đang thực hiện tinh gọn tổ chức, sắp xếp lại bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả, ngành thuế vẫn đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Không chỉ dừng lại ở cam kết, ngành thuế đang hiện thực hoá quyết tâm chống chuyển giá bằng những hành động cụ thể, những cuộc họp chuyên đề, những phiên thảo luận nghiệp vụ sâu sắc được tổ chức định kỳ, tạo nền tảng cho việc nâng cao năng lực thực tiễn, trong đó, tổ chức những hội nghị chia sẻ kinh nghiệm kiểm tra giao dịch liên kết là những dấu mốc quan trọng. 3 chuyên đề trọng tâm được tập trung thảo luận, gồm: phân tích hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết với trọng tâm là loại trừ các khác biệt trọng yếu và lựa chọn phương pháp xác định giá phù hợp; Kiểm tra các khoản chi phí nội bộ trong tập đoàn, như chi phí quản lý, bản quyền vốn dễ bị lợi dụng để chuyển giá và cuối cùng là kỹ thuật thu thập, khai thác dữ liệu so sánh từ các nguồn tin cậy nhằm nâng cao tính khách quan, minh bạch trong kiểm tra. Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết:
"Triển khai Nghị định mới của Chính phủ, bổ sung sửa đổi Nghị định số 32 về kiểm tra những doanh nghiệp mà liên kết và sau đó có tháo gỡ quy định rõ về các doanh nghiệp liên kết trong điều kiện quan hệ với các tổ chức tín dụng, đấy là một trong những điểm triển khai Nghị định 20. Và đặc biệt trong triển khai kế hoạch năm 2025 thì việc kiểm tra các doanh nghiệp liên kết thì vẫn là một nội dung quan trọng.Chính phủ cũng yêu cầu cần phải có những giải pháp để tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động các doanh nghiệp liên kết, để chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận gây thất thu ngân sách. Đồng thời cũng kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết trong hoạt động thương mại toàn cầu. Sẽ triển khai những kế hoạch kiểm tra chuyên đề, đặc biệt là tập trung kiểm tra doanh nghiệp liên kết trong điều kiện tình hình mới về thương mại toàn cầu"
Nghị quyết số 50 ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã nhắc đến một vấn đề có tính thời sự, đó là các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng”. Theo đó, trong nhiều giải pháp về hoàn thiện thể chế, Nghị quyết số 50 định hướng: Hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật”. Việc sớm xây dựng và ban hành Luật Chống chuyển giá là cần thiết, không chỉ phù hợp với với tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị mà còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi chống chuyển giá đã và đang diễn ra trong khu vực FDI. Nghiên cứu kinh nghiệm về chống chuyển giá của các nước trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Thu Hoài, Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: việc xây dựng Luật Chống chuyển giá độc lập để luật hóa các quy định về chống chuyển giá phù hợp điều kiện Việt Nam. Theo đó, 3 vấn đề cần quan tâm khi nâng cấp chống chuyển giá thành luật.
Thứ nhất: làm rõ nội hàm “chuyển giá” để nhận diện hành vi chuyển giá. Hành vi chuyển giá không chỉ diễn ra giữa các giao dịch liên kết xuyên biên giới mà còn diễn ra giữa các giao dịch liên kết trong nội địa một quốc gia. Theo đó, một doanh nghiệp có thể thành lập thêm các công ty thành viên hoặc liên kết với các doanh nghiệp khác có quan hệ lợi ích chung để chuyển lợi nhuận đến nơi được ưu đãi thuế, từ đó giảm thiểu số thuế phải nộp. Từ phân tích này, thuật ngữ chuyển giá khi đưa vào luật được hiểu là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Hành vi ấy có đối tượng tác động chính là giá cả. Thứ hai: nhận diện các hình thức chuyển giá phổ biến để có giải pháp tương thích. Từ thực trạng chuyển giá của khối DN FDI, có 5 cách thức chuyển giá phổ biến cần nhận diện, để có giải pháp chống chuyển giá tương thích. Đó là: Nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu; Nâng giá tài sản cố định cao hơn nhiều so với giá trị thực, thậm chí đã khấu hao hết trong nước khi góp vốn đầu tư để giảm lãi hoặc bị lỗ giả, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam; Nhận chuyển giao tài sản vô hình/dịch vụ cho công ty con thông qua việc định giá cao so với cho các tài sản vô hình được chuyển giao/dịch vụ được cung cấp; Doanh nghiệp FDI cũng có thể chuyển giá thông qua việc áp dụng giá bán hàng hóa cho các bên có quan hệ liên kết với mức thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết, từ đó làm giảm lợi nhuận và giảm thuế tương ứng)…Thứ ba, thiết kế chế tài thật nặng đối với hành vi chuyển giá. Từ kinh nghiệm các nước, khi thiết kế Luật Chống chuyển giá, các nhà làm luật cần xây dựng một hệ thống chế tài chống chuyển giá nghiêm minh và tổ chức thực hiện nghiêm túc hệ thống chế tài đối với những hành vi không tuân thủ kê khai về giá chuyển giao khi có giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo thủ tục, trình tự quy định của pháp luật.
Phạm Hạnh
Bình luận