## Thưa quý vị! Ngày 04/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Theo đó, Thủ tướng giao 2 tập đoàn kinh tế Nhà nước triển khai Dự án ĐHN Ninh Thuận 1 & 2, đồng thời yêu cầu phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030. Nhân sự kiện này PV Nguyên Long phỏng vấn Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân về các nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện ngay nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra:
Nghe âm thanh tại đây:

PV. Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 với yêu cầu chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030. Tại Chỉ thị số 01/2025 (ngày 03/1/2025) về việc chủ động giải pháp đảm bảo cung ứng điện giai đoạn 2025-2030, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương “tập trung chỉ đạo triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 05 năm”. Ông nhìn nhận như thế nào về chỉ đạo này, kế hoạch này?
Ông Nguyễn Quân: Tôi cho đây là một chỉ đạo rất quyết liệt. Bởi vì để làm điện hạt nhân (ĐHN) trước đây chúng ta phải mất 15 năm để tiến hành tất cả các công tác chuẩn bị cho đến khi khởi công. Bây giờ, nếu Chính phủ đặt ra trong vòng 5 năm Bộ Công Thương phải hoàn thành khối lượng công việc về công tác chuẩn bị như thế thì tôi cho là rất là quyết liệt.
Nhưng mà cũng rất may mắn là chúng ta đã có những điều kiện tương đối thuận lợi. Bởi vì trước đây chúng ta đã từng thực hiện chủ trương xây dựng nhà máy ĐHN, cho nên việc khảo sát lựa chọn địa điểm, việc lựa chọn các nhà đầu tư, rồi giải phóng mặt bằng, đào tạo chuyên gia về công nghệ và an toàn… chúng ta đã từng làm. Bây giờ chúng ta quay trở lại thì chúng ta lại phải tiếp tục làm, nhưng mà như thế thì chúng ta có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị so với trước đây. Và nếu như mà tích cực thì tôi nghĩ là trong 5 năm chúng ta có thể hoàn thành công tác chuẩn bị để có thể bước vào việc mời gọi các nhà đầu tư cũng như là tổ chức thực hiện dự án nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận.
Điện hạt nhân đòi hỏi mức độ an toàn, an ninh quốc gia
PV. Thế còn việc lựa chọn 2 tập đoàn kinh tế nhà nước là EVN và PVN làm chủ đầu tư 2 nhà máy ĐHN đầu tiên của nước ta thì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Quân: Đúng là Nhà nước là phải độc quyền, vì đây là những công trình đòi hỏi mức độ an toàn, an ninh không chỉ đối với nền kinh tế mà đối với cả chủ quyền quốc gia. Chính vì vậy mà ngoài EVN chúng ta có thể giao cho Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) - họ cũng đã có kinh nghiệm xây dựng các nhà máy điện dùng nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo rồi, và họ cũng là một tập đoàn kinh tế có đầy đủ tiềm lực thực hiện các dự án này khi hợp tác với nước ngoài. Chúng tôi cũng kiến nghị là có thể nếu vẫn làm với Nga và Nhật Bản, thì EVN và PVN sẽ là chủ đầu tư của Việt Nam tham gia vào 2 dự án điện hạt nhân, hợp tác với Nga và Nhật Bản có điều kiện thuận lợi, nhất là đối với nước Nga hiện nay. Nếu PVN làm được thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều vì hợp tác giữa Việt Nam và Nga của PVN nhiều năm qua rất là tốt.

Cần bổ sung ngay các dự án ĐHN vào Quy hoạch Điện VIII
PV. Vậy, về mặt pháp lý, việc đầu tiên chúng ta cần phải làm bây giờ là gì đối với các dự án ĐHN này, thưa ông?
Ông Nguyễn Quân: Đầu tiên chúng ta nên bổ sung vào Quy hoạch điện VIII về các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, không chỉ ở Ninh Thuận. Có thể là chúng ta mở rộng Ninh Thuận cộng với có thể tìm kiếm thêm một vài địa điểm nào có thể phù hợp. Đồng thời là chúng ta phải ngay lập tức đi làm việc với các đối tác, kể cả các đối tác trước đây đã từng hợp tác với chúng ta làm điện hạt nhân Ninh Thuận, đó là Liên bang Nga và Nhật Bản. Cùng với việc đó chúng ta có thể tìm thêm những đối tác mới tiềm năng và họ có cả kinh nghiệm và tiềm lực/quyền lực trong lĩnh vực hạt nhân, với sự tư vấn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IEA).
Song song với việc đó thì chúng ta phải khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là về các chuyên gia công nghệ và chuyên gia an toàn để làm chủ được công nghệ điện hạt nhân, có thể sau này chúng ta còn có thểtự làm nhiên liệu hạt nhân, rồi chúng ta có thể xử lý được chất thải hạt nhân, chúng ta có thể nâng cao mức độ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam.
Nhân lực là yếu tố quyết định thành công dự án ĐHN
PV. Theo dự kiến chúng ta phải cần ít nhất 2.500 cán bộ kỹ sư công nghệ, công nhân tay nghề cao để thực hiện 2 dự án ĐHN Ninh Thuận 1,2. Được biết, nguồn nhân lực về ĐHN cách đây khoảng 10 năm khi chuẩn bị khởi động ĐHN đầu tiên đã có khoảng 500 người được đào tạo. Xin ông cho biết, hiện nay liệu chúng ta có tận dụng được nguồn lực này không?
Ông Nguyễn Quân: Có thể nói là nhân lực là yếu tố quyết định trong việc thành công một dự án điện hạt nhân. Trong giai đoạn trước đây chúng ta đã chuẩn bị rất là tốt, và có điều kiện rất thuận lợi trong thời gian trước đây là những nguồn nhân lực ấy chúng ta đã đào tạo từ rất nhiều năm, họ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Mặc dù chúng ta chưa có điện hạt nhân, nhưng mà những người được đào tạo nguồn năng lượng nguyên tử của chúng ta được đào tạo rất cơ bản từ các nước phát triển, kể cả Liên Xô cũ, các nước Đông Âu cho tới các nước có ngành hạt nhân rất phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi mà chúng ta dừng các dự án ĐHN này thì tôi rất tiếc là chúng ta đã không duy trì việc chúng ta đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng chuẩn bị cho việc tái khởi động dự án này. Chính vì thế mà nguồn nhân lực này bị hao hụt rất nhiều.
Các trường đại học có chuyên ngành vật lý hạt nhân sinh viên người ta không muốn học ngành mà người ta chưa biết là tương lai của người ta sẽ như thế nào. Rồi việc đào tạo các chuyên gia về an toàn và công nghệ của chúng ta hợp tác với các nước thì cũng gần như bị chững lại, số người đã được đào tạo thì lại phải chuyển làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Rất nhiều người đã nghỉ chế độ, nghỉ hưu, hoặc là thậm chí là rất nhiều người đã không còn làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử . Đây là một khó khăn, thách thức rất lớn trong việc chúng ta quay trở lại với điện hạt nhân. Gần như bây giờ chúng ta lại phải đào tạo từ đầu. Có thể nói là số chuyên gia của chúng ta có thể đạt tôi yêu cầu bây giờ chúng ta có thể đếm trên đầu ngón tay.
Trong thời gian 5 năm để chúng ta chuẩn bị tôi tin là chúng ta phải đào tạo và phải có chế độ đãi ngộ rất là tốt thì mới thu hút được những nhà khoa học hoặc là những cán bộ kỹ thuật làm việc trong lĩnh vực này. Bởi vì hiện nay đào tạo cơ bản chúng ta gần như bị trống vắng. Ngày xưa khi chúng ta làm điện hạt nhân thì có rất nhiều sinh viên đã được học về vật lý hạt nhân, về năng lượng nguyên tử, về vận hành các nhà máy điện công nghệ cao, nhưng bây giờ thì gần như những lĩnh vực này các trường đại học của chúng ta là không có sinh viên. Vì vậy mà những người đang làm việc trong hệ thống kể cả EVN cũng gần như là không có những người đã từng được học một cách bài bản về năng lượng hạt nhân.
Bây giờ đối với họ đi học về năng lượng hạt nhân là học từ đầu, từ con số không. Trong khi số chuyên gia của chúng ta thì quá ít. Thì đấy là một thách thức rất lớn, mà chắc là trong 5 năm EVN phải rất nỗ lực cùng với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục đào tạo phối hợp. Ngân sách nhà nước chắc chắn là phải dành một khoản tương đối lớn để hỗ trợ cho việc đào tạo. Chưa kể là chúng ta cũng phải nghĩ ngay tới các chinh sách đãi ngộ đối với những người làm việc trong lĩnh vực này, để khi chúng ta bắt tay vào xây dựng nhà máy và vận hành nhà máy thì người ta yên tâm làm việc trong lĩnh vực mà cũng có nhiều thách thức trình độ, về rủi ro, về an toàn. Nếu không có chế độ đãi ngộ thỏa đáng thì người ta sẽ không theo học và không làm việc trong lĩnh vực này.
Cần nghiên cứu chính sách đãi ngộ tương xứng đối với nguồn nhân lực ĐHN
PV. Là một nhà khoa học gắn bó với công nghệ hạt nhân, theo ông, để làm ĐHN an toàn nhất, nhanh nhất, ít tốn kém nhất và hiệu quả nhất thì Việt Nam cần các bước đi cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Quân: Thực ra đặt ra tất cả những mục tiêu đó một cách đồng thời thì nó trở thành một thách thức rất là lớn, bởi rất khó làm một dự án mà vừa an toàn nhất, hiệu quả nhất, kinh tế nhất và mọi thứ đều nhất. Tuy nhiên, tôi nghĩ là vấn đề quan trọng ở đây vẫn là con người - nguồn nhân lực. Công nghệ chúng ta có thể mua, nhà máy chúng ta có thể do các nhà đầu tư người ta cung cấp, nhưng người mà vận hành và người giám sát, kiểm tra thì phải là người Việt Nam của chúng ta, thì chúng ta phải có những tập thể khoa học rất mạnh. Chưa kể là trong quá trình vận hành nó nảy sinh rất nhiều vấn đề chúng ta phải xử lý, như về nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn… rồi thậm chí chúng ta phải sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ Việt Nam tham gia vào hệ thống của các nhà máy này, thì người nước ngoài người ta không thể làm những việc đó được, chúng ta phải làm. Và như vậy thì ngoài việc chúng ta phải tuân thủ những quy định của quốc tế, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống luật pháp Việt Nam đối với lĩnh vực điện hạt nhân. Thì quan trọng nhất vẫn là chúng ta phải có một đội ngũ cả chuyên gia lẫn những người thực hiện, từ những người xây dựng công trình cho những người vận hành công trình, và những người thực hiện những dịch vụ xung quanh công trình… chúng ta đều phải có đào tạo, bồi dưỡng theo đúng chuẩn mực quốc tế và rất là cơ bản. Song song với đó chúng ta phải đãi ngộ họ cho tương xứng.
PV. Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn PV Đài TNVN!
Bình luận