Tại toạ đàm các đại biểu khẳng định, sự ra đời của Nghị quyết 68 là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đã đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay. Nghị quyết thực sự tạo được niềm tin không phải là phản ứng chính sách nhất thời mà là một chiến lược quốc gia lâu dài. Vị thế, vai trò của kinh tế tư nhân được nhìn nhận một cách rõ ràng - điều này cũng là mong mỏi của cộng động doanh nghiệp lâu nay.
Theo Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Đức Hiếu, để phát triển kinh tế tư nhân, gốc rễ của vấn đề là phải cải cách thể chế. Nếu như cải cách thể chế tốt, đáp ứng đúng nhu cầu nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, đây sẽ là biện pháp cải cách "rẻ" nhất nhưng lại mang lại hiệu quả lớn nhất. Theo như Tổng Bí thư nói, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, vì thế nếu chúng ta tập trung cải cách mạnh mẽ về thể chế thì tác động sẽ rất lớn. Nhìn vào Nghị quyết 68, số lượng giải pháp về cải cách thể chế là chủ đạo.

"Tôi là người nghiên cứu rất kỹ Nghị quyết 68 tinh thần của các nhóm giải pháp về cải cách thể chế. Tôi thấy nổi lên mấy từ không phải là "đơn giản", cũng không phải là "sửa đổi" mà ở đây là thể hiện rất mạnh là "bãi bỏ", "cắt giảm", có nghĩa là chúng ta phải bỏ, phải cắt đi, tức là một quy định không tốt thì không phải là chúng ta sửa để cho nó tốt hơn một chút mà quy định đấy không tốt thì bãi bỏ. Tinh thần này rất khác với trước đây và tương đồng với kinh nghiệm cải cách thể chế ở các nước. Chúng ta phải hiểu là không phải chỉ thủ tục hành chính, nếu như luật nào, nghị định nào không còn cần thiết thì phải bãi bỏ cả đạo luật, cả nghị định, tinh giảm luật lệ…" ông Phan Đức Hiếu nêu rõ.
Các ý kiến tại toạ đàm cũng cho rằng, Nghị quyết 68 nêu rõ các chính sách để phát triển doanh nghiệp lớn như đàn sếu đầu đàn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp lớn vào các dự án trọng điểm của quốc gia. Nhà nước đặt hàng khu vực kinh tế tư nhân cùng nhà nước tham gia vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời, cũng đưa ra một loạt các giải pháp về tín dụng để phát triển doanh nghiệp, có chính sách cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhân… là một loạt các giải pháp được đề ra, xuất phát từ thực tiễn.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB bày tỏ, Nghị quyết 68 có nhiều nội dung rất cởi mở, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Vì thế, thời gian tới cần sớm thể chế hoá, có quy định cụ thể từ Nghị quyết 68 để chính sách này sớm đi vào cuộc sống: "Điều mong mỏi nhất mà chúng tôi đang mong muốn là cắt giảm thủ tục và số hóa thủ tục, việc số hóa tự động hóa là điều mà chúng tôi nhìn nhận, đây là một giải pháp triệt để thủ tục hành chính được loại bỏ. Điều thứ hai, chúng tôi cũng mong muốn là tính nhất quán trong thể chế chính sách pháp luật, cũng như hiểu về quy định nó phải có sự thống nhất giữa các địa phương với nhau, chúng tôi cũng mong muốn sẽ sớm có được những thể chế, những quy định sớm đi vào cuộc sống"
Để thể chế hoá Nghị quyết 68 vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thời gian tới, bà Bùi Thu Thủy- Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính cho biết, khi dự thảo Nghị quyết 68, Ban soạn thảo cũng đã dự thảo Nghị quyết Quốc hội và chương trình hành động. Đến nay cũng đã cố gắng thể chế hoá tối đa những nội dung nêu trong Nghị quyết, đối với những vấn đề cần thời gian nghiên cứu để đạt độ "chín" thì sẽ thể hiện ở các Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua./.
Thúy Hằng VOV1