Dz500kV Lào Cai - Vĩnh Yên: Khi địa phương, doanh nghiệp đồng lòng và "4 tại chỗ" được phát huy
VOV1 - Ngày 16/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công dự án trọng điểm quốc gia - Đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên với yêu cầu “6 hơn”: Tiến độ nhanh hơn; chất lượng tốt hơn; giá thành rẻ hơn; an toàn, hiệu quả hơn; làm tốt hơn công tác an sinh xã hội; đảm bảo vệ sinh môi trường tốt hơn.

 

Tiếp nối “kỳ tích” Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành chỉ sau hơn 6 tháng thi công “thần tốc”, ngày 16/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công dự án trọng điểm quốc gia - Đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên với yêu cầu “6 hơn”, đó là: tiến độ nhanh hơn; chất lượng tốt hơn; giá thành rẻ hơn; an toàn, hiệu quả hơn; làm tốt hơn công tác an sinh xã hội; đảm bảo vệ sinh môi trường tốt hơn. Nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc đảm bảo điện thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, Thủ tướng yêu cầu dự án phải hoàn thành đóng điện trước ngày 31/8/2025.

          “Hợp lực đưa công trình trọng điểm quốc gia - Dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên về đích đúng tiến độ” là nội dung loạt phóng sự 3 kỳ của PV Nguyên Long, ghi nhận nỗ lực của các đơn vị nhà thầu, chủ đầu tư và chính quyền, nhân dân địa phương vùng dự án nhằm hiện thực hoá yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm hoàn thành toàn bộ dự án, là công trình tiêu biểu, thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập nước (02/09/1945-02-09/2025).

Bài 1: Khi địa phương, doanh nghiệp đồng lòng và "4 tại chỗ" được phát huy.

Nghe tại đây:

Dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên có chiều dài gần 230km đi qua địa phận 12 huyện của 4 tỉnh, là: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Sau khi hoàn thành, đưa vào vận hành, đường dây này có khả năng truyền tải hơn 3.000MW công suất từ các nhà máy thủy điện ở khu vực phía Bắc, đồng thời, tăng khả năng nhập khẩu điện, góp phần quan trọng đảm bảo điện cho phát triển kinh tế, xã hội.

Xác định đây là dự án trọng điểm, cấp bách, tiến độ giải phóng mặt bằng có tính chất quyết định đến tiến độ của toàn bộ dự án, nên ngay từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư (tại Quyết định số 1274 ngày 26/10/2024), chủ đầu tư - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khẩn trương làm việc với các địa phương và nhận được sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của đại bộ phận người dân vùng dự án.

Trên toàn tuyến đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên với chiều dài gần 230km (mạch kép) có tổng cộng 468 vị trí móng cột điện thì Lào Cai là tỉnh tiên phong trong bàn giao toàn bộ 100 vị trí móng cột trong tháng 2 và cơ bàn hoàn thành, bàn giao phần hành lang tuyến trong tháng 3/2025. Sau công tác bàn giao vị trí móng cột là bàn giao hành lang tuyến và bố trí đường tạm phục vụ thi công cũng được các địa phương tích cực phối hợp cùng chủ đầu tư và nhà thầu triển khai.

Thực tế tại địa bàn xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ - nơi có 16 vị trí hố móng cột điện của đường dây 500kV đi qua, ông Phạm Minh Thư - cán bộ địa chính xã cho biết: "Ngay khi có chủ trương thực hiện dự án đường dây là địa phương xã cùng hội đồng đền bù đã họp các hộ dân để triển khai tuyên truyền nội dung chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên việc thực hiện đường dây này là bà con rất nhiệt tình ủng hộ và thực hiện. Và hiện nay thì ngoài các nội dung về giải phóng về liên quan đến hành lang và hố cột thì còn liên quan đến đường thi công công vụ nữa. Thì hiện nay là giữa doanh nghiệp và người dân, địa phương cũng đang tìm hướng nào đó để tránh thiệt hại nhất về đường đi giao thông, bời vì  nếu mà đi vào tuyến đường giao thông thì xe trọng tải lớn thì nó sẽ thiệt hại về đường giao thông cho bà con nhân dân, thì cái này chính quyền sẽ cùng với đơn vị thi công để cùng xem xét biện pháp nào tránh thiệt hại nhất và cùng tìm ra đường đi để đảm bảo thuận tiện nhất trong việc thi công và đảm bảo tiến độ cho công trình".

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh có đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên đi qua đang trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, sáp nhập các địa phương, thu gọn đầu mối, song, ông Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cam kết đồng hành cùng chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thi công trên công trường, không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy ảnh hưởng đến tiến độ của công trình theo yêu cầu của Thủ tướng đề ra: "Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái chúng tôi đang thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Một số sở ngành đang trong quá trình sắp xếp và đi vào hoạt động. Và tới đây sẽ tiếp tục triển khai theo chỉ đạo của Trung ương để tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian tiếp theo. Chúng tôi cam kết rằng việc chúng tôi sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ không ảnh hưởng gì đến việc mà phối hợp để tổ chức triển khai dự án này. Đây là một dự án trọng điểm mà chúng ta phải tập trung mọi nỗ lực vào, và trong quá trình phối hợp đề nghị chúng ta cũng cố gắng cả hai bên chúng ta phải khẩn trương" Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái Ngô Hạnh Phúc khẳng định.

Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (BCĐ), về cơ bản, các vị trí móng cột đã được bàn giao trước ngày 31/3/2025. Công tác kê kiểm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với phần hành lang tuyến đã hoàn thành trước ngày 15/4/2025. Theo kế hoạch, các địa phương sẽ bàn giao toàn bộ hành lang tuyến trước ngày 30/4/2025. Đây chính là điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo tinh thần ở đâu có mặt bằng, ở đó có công trường. Và “4 tại chỗ” (gồm thiết bị thi công tại chỗ, lao động tại chỗ, vật liệu xây dựng tại chỗ và thực hiện đền bù tại chỗ) được phát huy tối đa.

Phó ban điều hành sản xuất Công ty CP Sông Đà 11 Nguyễn Trung Kiên – đơn vị triển khai Gói thầu số 4 của tuyến đường dây cho biết: Nhà thầu Sông Đà 11 cũng tận dụng tốt “4 tại chỗ”: Thứ nhất là nơi ăn ở, nhân lực địa phương, xe, máy móc của đơn vị; Tận dụng tối đa các nguồn nhân lực của địa phương đối với những công việc như đào, xúc bốc đất đá hay là lắp ráp, lắp đặt cốt thép… là những công việc mà có thể tận dụng được tối đa nguồn nhân lực địa phương thì Sông Đà 11 sẽ sử dụng rất tốt việc đó".

Người dân ở Khu 5, xã Liên Hoa huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ chia sẻ niềm vui khi được tham gia công tác đào móng, thi công tại vị trí cột 349 của tuyến đường dây 500kV đi qua địa bàn. "Nói chung là địa phương em cũng rất vui khi được tham gia công trình ở đây, và mọi người cũng cố gắng để làm việc, cố gắng mỗi ngày cũng để đẩy nhanh tiến độ" - chị Nguyễn Thị Thuỷ nói.

Còn anh Nguyễn Văn Cảnh kể: "Từ hôm có dự án xây cột điện 500kV này thì các nhà đầu tư cũng đã về động thổ ở đây và chia lộc cho bà con nhân dân rất vui. Chúng tôi đi làm thì cũng đã được họp và đã thống nhất quy trình, thứ nhất là phải đảm bảo an toàn giao thông, thứ hai nữa làm phải đúng kế hoạch và đúng theo dự án và bản vẽ, chất lượng".

Cũng như các nhà thầu khác trên công trường, tận dụng tối đa “4 tại chỗ” nhưng vừa phải đảm bảo chất lượng, vừa phải đảm bảo an toàn trên công trường theo đúng chỉ đạo “6 hơn” của Thủ tướng Chính phủ. Ông Ma Đình Việt - Chỉ huy trưởng Gói thầu số 8 (nhà thầu Việt Á) nhấn mạnh: "Để đảm bảo an toàn, nhất là công tác bảo hộ lao động là chúng tôi trang bị đầy đủ cho người lao động. Ánh sáng cũng phải đảm bảo cho người lao động làm việc ban đêm, với hai nữa là tránh các rủi ro mất an toàn lao động, thì nhà thầu cũng đã lường trước được những việc này, và luôn có cán bộ an toàn giám sát tại hiện trường".

Ông Nguyễn Đức Thành - PGĐ Ban điều hành Dự án 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, cho biết, hiện trên toàn tuyến đang tập trung cho công tác đào móng cột, sử dụng máy móc là chủ yếu song đã có khoảng 1.200 - 1.400 công nhân đang làm việc. Một số vị trí đã tiến hành sớm công tác đổ bê tông móng cột và vận chuyển thiết bị cột thép, Một số vị trí đã được đẩy nhanh tiến độ 3 ca, 4 kíp, tranh thủ thời tiết thuận lợi để tránh thời gian mùa mưa và lũ tiểu mãn ở khu vực miền núi phía Bắc sẽ bắt đầu từ giữa tháng 5/2025. Theo dự kiến cao điểm sẽ có khoảng 6.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động của cả các đơn vị nhà thầu thi công, Ban tiền phương, tư vấn giám sát trên toàn tuyến.

 Mặc dù chiều dài toàn tuyến cũng như vị trí cột của tuyến đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên chỉ bằng khoảng một nửa so với Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, song, hầu hết các vị trí của tuyến đường dây này đều nằm trên các khu vực đồi núi cao, cung đường hẹp, thời gian thi công ngắn hơn, cao điểm của công tác dựng cột, kéo dây lại rơi vào thời điểm mùa mưa ở miền núi phía Bắc có nhiều diễn biến bất thường, khó đoán định.

Kinh nghiệm thi công thần tốc "mạch 3" được các đơn vị, nhà thầu hiện thực hoá trên công trường Dz 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên ra sao? Mời quý vị tiếp tục theo dõi.

Một số hình ảnh phát huy tối đa nhân lực, thiết bị "4 tại chỗ:

(còn tiếp)

PV Nguyên Long 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận