Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ tại Trung Quốc đang dần cảm nhận những tác động không mấy lạc quan. Nhiều chủ doanh nghiệp đang phải đánh giá lại các mặt hàng nhập khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và cố gắng quản lý chi phí để duy trì hoạt động.
"Đa phần các loại bột mà tôi đang bán đều là nhập từ Mỹ. Một khi bán hết, tôi cũng sẽ không bán mặt hàng này nữa. Các đơn vị cung cấp hàng cho tôi cũng khẳng định rằng họ không nhập thêm từ Mỹ nữa. Tôi nghĩ tình hình sẽ còn tiếp tục khó khăn như thế này. Rất nhiều người, bao gồm cả chúng tôi, sẽ không thể tụ lại ở khu chợ này. "
Đó là những lo ngại của bà Peng Binglan, chủ một cửa tiệm tại chợ Sanyuanli, một khu chợ chuyên bán đồ nhập khẩu tại thủ đô Bắc Kinh. Bà Peng Binglan cũng chia sẻ rằng, trong suốt 18 năm mở cửa tiệm tại đây, 2 năm qua là khoảng thời gian công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhất.
Thuế quan tăng cao, chi phí nhập khẩu tăng vọt khiến các doanh nghiệp, cửa tiệm tại Trung Quốc cũng buộc phải tăng giá. Không chỉ các cửa tiệm kinh doanh nhu yếu phẩm, các doanh nghiệp dịch vụ cũng gặp nhiều khó khăn. Một số chủ cửa hàng, quán bar cho rằng, các chính sách về thuế có thể gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Trung Quốc, khiến thu nhập của người dân giảm sút. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu hơn nữa.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ tại quốc gia này đang lựa chọn “quay lưng” với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Anh Meng Kaidong, Chủ quán bar Shierdu Magic, cho biết, hiện anh vẫn sử dụng rượu whisky Mỹ với giá khoảng 70 đô-la/chai, nhưng khi đã sử dụng hết những loại rượu này, quán bar của anh sẽ thay thế bằng các loại rượu nhập khẩu từ châu Âu, hoặc sử dụng chính các thương hiệu rượu nội địa chuẩn bị ra mắt trong một vài năm tới. Anh Meng Kaidong cho rằng:
"Trước đây, các khách tới quán của tôi thường chi khoảng hơn 27 đô-la cho các loại đồ uống, nhưng bây giờ, họ đã cắt giảm xuống chỉ còn một nửa. Nhưng thực ra, tôi vẫn khá tự tin bởi vì tôi nghĩ ngành công nghiệp Trung Quốc đang rất phát triển. Do đó, nếu mức thuế xuất nhập khẩu thực sự cao như vậy, thì ảnh hưởng cũng không quá nghiêm trọng. Chúng tôi vẫn có thể tự sản xuất được rất nhiều mặt hàng. Tôi nghĩ chúng tôi có thể giải quyết được khó khăn này."
Thuế quan tăng mạnh từ phía Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nhà xuất khẩu Trung Quốc, gây gián đoạn một trụ cột khác trong nền kinh tế của quốc gia này. Theo Bà Yue Su, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc, Đơn vị tình báo kinh tế, để giảm nhẹ ảnh hưởng, Trung Quốc cần xuất khẩu nhiều hơn tới các thị trường khác.
"Châu Âu và Nhật Bản là những nền kinh tế khá quan trọng, đủ lớn để nhập và tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc. Điều này có nghĩa là, Trung Quốc cần thực sự tìm cách để củng cố quan hệ đối tác với hai nền kinh tế này, để từ đó họ sẵn sàng nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng từ Trung Quốc hơn."
Trên thực tế, Trung Quốc vốn vẫn đang gặp phải một số vấn đề về tính cấu trúc, thậm chí trước khi có các chính sách cạnh tranh về thuế giữa quốc gia này với Mỹ. Mặc dù Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng 5% vào năm 2024 như mục tiêu đã đề ra, song người dân tại quốc gia này vẫn khá e dè trong chi tiêu, đặc biệt khi khủng hoảng nhà ở kéo dài, cùng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cũng đang thể hiện rõ thiện chí tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia và khu vực hơn, khi liên tiếp có các cuộc gặp mặt cấp cao với lãnh đạo các quốc gia châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản hay khu vực đông Nam Á trong thời gian gần đây./.
Bình luận