Việt Nam đang đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững
VOV1 - Việt Nam đang có sự phát triển vượt bậc với nhiều nỗ lực đáng tự hào trong chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững hơn. Đó là nhận định của ông Máximo Torero, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc.

1. Thưa ông, trước tiên xin được hỏi ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng trầm trọng hơn? 

Trả lời: Việt Nam là quốc gia đã có sự phát triển vượt bậc trong những năm qua, là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 năm nay, và cũng là quốc gia đang rất nỗ lực chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng thích ứng được với biến đổi khí hậu. Thời gian tới, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng lên cả về số lượng và về mức độ tàn phá. Do đó, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trên nhiều yếu tố như nhiệt độ khắc nghiệt, hạn hán, các hình thái thời tiết khác nhau, động vật và con người phải di cư và xuất hiện các loại dịch bệnh. Chúng ta phải sẵn sàng cho tất cả những vấn đề này. Những yếu tố mà chúng tôi đánh giá cao ở Việt Nam cùng những gì các bạn thể hiện ở Hội nghị thượng đỉnh P4G năm nay, đó là sự chuyển đổi theo hướng bền vững hơn theo thời gian. Tôi đã đến Việt Nam từ cách đây 20 năm và sự thay đổi mà tôi được chứng kiến thực sự ngoạn mục. Chúng tôi hi vọng là các bạn vẫn có thể tiếp tục đà chuyển đổi này. 

2. Xin ông cho biết những tiềm năng và thách thức của nông nghiệp Việt Nam trong chuyển đổi theo hướng xanh và phát thải thấp, thưa chuyên gia?

Trả lời: Hệ thống nông lương có vai trò rất quan trọng với chúng ta, không chỉ cung cấp đủ lương thực thực phẩm, mà còn là chế độ ăn uống lành mạnh, giúp chúng ta khoẻ mạnh hơn, giảm khả năng xảy ra dịch bệnh. Cùng lúc đó, hệ thống nông lương cũng đối mặt với những thách thức. Phát thải từ nông nghiệp chiếm tới ⅓ lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Nông nghiệp cũng cần sử dụng nước, đất đai, và cũng ảnh hưởng tới đa dạng sinh thái. Điều chúng ta cần làm là sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Việc này tất nhiên sẽ đi cùng với các chi phí. Nhưng những lợi ích chúng ta có được trong dài hạn sẽ vượt trội so với chi phí bỏ ra.

Bên cạnh đó, các công nghệ mới như AI sẽ dần đóng góp nhiều hơn cho hệ thống nông lương. Nó vừa mang lại cơ hội nhưng cũng có những bất cập. Chúng ta có thể hiểu AI như một con ngựa đang chạy rất nhanh. Bạn phải tìm cách nhảy được lên lưng con ngựa đó, và đi cùng với nó. Chúng ta không thể dừng nó lại được, nhưng chúng ta có thể sử dụng các chính sách để ghìm cương nó và tận dụng các lợi ích nó mang lại. Cùng lúc đó, chúng ta cũng cần chuẩn bị để giảm thiểu những điều tiêu cực. Đó chính là sự loại trừ đối với những cộng đồng nhỏ nhất, yếu đuối nhất. Họ không được tiếp cận được với công nghệ, không biết ngôn ngữ, không hiểu cách sử dụng. Điều này đòi hỏi tăng cường các khoản đầu tư công để AI thực sự mang lại lợi ích cho cản những cộng đồng yếu thế. 

3. Vậy ông có thể đưa ra khuyến nghị về một mô hình chuyển đổi phù hợp với Việt Nam không, thưa chuyên gia? 

Trả lời: Không có mô hình chung nào cho tất cả các quốc gia. Sẽ có nhiều mô hình khác nhau, tuỳ theo từng quốc gia với những thách thức mà họ đang gặp phải. Đối với Việt Nam, các bạn đã làm tốt trong việc tăng quy mô và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Giờ đây, điều cần làm là nâng cao tiêu chuẩn về môi trường. Về điều này chúng tôi cũng đang cân nhắc các hợp phần bền vững như bền vững về môi trường, về xã hội và kinh tế để có sự hợp tác và hỗ trợ phù hợp. 

Khuyến nghị của chúng tôi là hãy tiếp tục tiến bước, hãy cố gắng ứng dụng thật nhiều khoa học, kinh nghiệm và dữ liệu mà các bạn có để có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Những điều chúng ta làm và các giải pháp đưa ra phải nhằm tăng cường sức chống chịu trước biến đổi khí hậu cho hệ thống nông lương. Cách duy nhất để làm được điều đó là phải có một hệ thống cảnh báo sớm. Nếu phát hiện được các hiện tượng cực đoan từ sớm thì chúng ta sẽ có cách phòng tránh hiệu quả hơn và hạn chế thiệt hại. Thứ nữa là cần tăng khả năng thích ứng các tác động từ thời tiết. Nhờ đó, nếu có sự kiện xảy ra như lũ lụt, hạn hán, bạn có thể tái thiết tốt hơn và nhanh hơn, và khả năng đó chỉ có thể đạt được với sự hỗ trợ của công nghệ. Các bạn cần nhiều loại công nghệ như hỗ trợ về thời tiết, tăng sức chống chịu trước các cơn  bão hay các loại dịch bệnh mới. 

 

4. Vậy trong thời gian tới, những lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Tổ chức lương thực và nông nghiệp LHQ với Việt Nam là gì, thưa ông?

Trả lời: Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc có một khuôn khổ chiến lược định hướng đến năm 2030. Chúng tôi cũng có kế hoạch với Việt Nam cho đến năm 2026. Các khuôn khổ của chúng tôi có 4 trụ cột chính, còn gọi là 4 “tốt hơn”. Đó là sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn. Cả 4 yếu tố này đều có liên hệ chặt chẽ  với nhau. Ngoài ra chúng tôi cũng vạch ra các yếu tố có tác dụng kích thích, đó là khoa học, đổi mới, dữ liệu và thể chế. 

Hiện chúng tôi đang hợp tác với Việt Nam thông qua quỹ khí hậu xanh và các cơ chế để thúc đẩy khoa học trong đạt được các mục tiêu bền vững. Nhờ đó chúng ta có thể sản xuất nhiều hơn , sử dụng ít tài nguyên hơn và theo cách bền vững hơn. Và chúng tôi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức của mình với Việt Nam trong lĩnh vực này. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang cân nhắc việc kết nạp Việt Nam thành thành viên trong sáng kiến Hand in Hand. Đó là một sáng kiến tối đa hoá sản xuất nông nghiệp và mang lại lợi ích cho người dân, đặc biệt là những hộ nông nhỏ lẻ, để họ có sản lượng tốt hơn và từ đó thoát khỏi nghèo đói. Tổ chức lương thực và nông nghiệp LHQ cam kết và có lộ trình để đạt được 2 mục tiêu cùng lúc, cũng rất phù hợp với những định hướng chính sách của Việt Nam. Đó là mục tiêu phát triển bền vững về không nghèo đói và mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Do đó, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam để đạt được mục tiêu nông nghiệp bền vững, cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm lành mạnh, dinh dưỡng, cho tất cả mọi người, hôm nay và mai sau. 

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.
 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận