Thông tin từ Đại hội Cổ đông thường niên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngày 25/4/2025 cho thấy, mặc dù thị trường gặp nhiều khó khăn, diễn biến giá dầu liên tục giảm sâu, các thương nhân đầu mối phải dự trữ tồn kho tối thiểu 20 ngày theo quy định, đã tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, song qua 4 tháng đầu năm 2025, Petrolimex vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định. Sản lượng đạt 5,7 triệu m³/(tấn) xăng, dầu các loại; hoàn thành 33% kế hoạch và đảm bảo tiến độ đề ra. Đồng thời, Petrolimex đã nộp ngân sách nhà nước 9.100 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch, vượt tiến độ so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ đạt 4% so với kế hoạch (đạt 113 tỷ đồng).

Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025 thị trường dầu mỏ toàn cầu đối mặt với những bất ổn lớn. Đặc biệt, chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với mục tiêu thúc đẩy sản xuất dầu nội địa và áp thuế đối ứng lên hơn 180 nền kinh tế, đã làm suy yếu thị trường dầu. Một cú sốc lớn vào tháng 4/2025 khi OPEC+ tăng sản lượng dầu bất ngờ, kết hợp với thuế đối ứng của Mỹ khiến giá dầu thô giảm mạnh từ 71,71 USD/thùng xuống 55,12 USD/thùng chỉ trong vòng một tuần, mức giảm lớn nhất có thời điểm lên tới hơn 20%.
Trong khi đó với quy định của nhà nước hiện nay, các thương nhân đầu mối phải dự trữ tồn kho tối thiểu 20 ngày. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn phân giao tổng nguồn cho thương nhân đầu mối như Petrolimex trong khi việc điều hành giá xăng dầu lại thực hiện theo tuần. Vì vậy, với biến động sâu và rất nhanh chỉ trong vài ngày trong khi lượng hàng tồn kho theo quy định của Petrolimex tương đương khoảng 750 nghìn m3 xăng dầu, hoạt động kinh doanh của Petrolimex bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi giá bán giảm sâu nhưng giá vốn hàng hoá đã mua cao từ trước vẫn còn tồn kho đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Petrolimex ở lĩnh vực kinh doanh cốt lõi xăng dầu trong quý I/2025.
Năm 2025 dự báo là năm có nhiều rủi ro và rất khó kiểm soát với hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex và nhiều thương nhân xăng dầu khác. Song, Petrolimex khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và công bố báo cáo tài chính chi tiết vào cuối tháng 4 để cổ đông hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng và các giải pháp đối phó. Đồng thời, để vượt qua khó khăn, Tập đoàn cũng đã có nhiều giải pháp chiến lược quan trọng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo Chủ tịch HĐQT Petrolimex Phạm Văn Thanh, chủ trương sáp nhập tỉnh, thành là cơ hội để Petrolimex mở rộng mạng lưới bán lẻ khi các tuyến nội tỉnh, liên vùng, liên tỉnh sẽ được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình này cũng ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy và tâm lý người lao động. Vì thế, ngay khi có chủ trương, Tập đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp với lãnh đạo đơn vị, tham khảo ý kiến chuyên gia và các mô hình quốc tế để xây dựng phương án tổ chức mới phù hợp với hệ thống chỉ còn hơn 30 tỉnh, thành. Mục tiêu là tinh gọn, hiệu quả, giảm chi phí và đảm bảo hoạt động thông suốt.
Petrolimex đã quyết định thoái vốn tại một số đơn vị thành viên, chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện tại Campuchia, TP. Hồ Chí Minh và sáp nhập Tổng công ty PTC vào Tập đoàn...
Cùng với hiện thực hoá chiến lược chuyển đổi số toàn diện và chủ động trong ứng dụng công nghệ hiện đại, Petrolimex xác định chuyển dịch năng lượng xanh là yếu tố sống còn của tương lai. Theo Chủ tịch HĐQT Petrolimex Phạm Văn Thanh, trong 15 năm tới, xăng dầu vẫn giữ vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, xu thế chuyển dịch sang năng lượng xanh, sạch và bền vững là điều không thể đảo ngược.
Tính đến nay, đã có 142 quốc gia cam kết mục tiêu trung hòa carbon - trong đó có Việt Nam. Tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là cam kết mạnh mẽ và thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam.
Petrolimex đang triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải và phát triển các sản phẩm năng lượng tái tạo. Tập đoàn đã bắt đầu đưa vào sử dụng các nhiên liệu sinh học và đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để đầu tư vào công nghệ năng lượng xanh. Theo lãnh đạo Petrolimex, việc chuyển dịch xanh không chỉ đáp ứng xu thế toàn cầu mà còn là một phần trong cam kết phát triển bền vững của Petrolimex. "Tuy nhiên việc này không thể làm quá nhanh, mà phải vừa làm vừa quan sát để tránh bị vướng như các tập đoàn trên thế giới. Tuỳ tình hình, chúng tôi sẽ chuyển dịch nhanh hay chậm theo diễn biến xanh – sạch của thế giới, đảm bảo tối đa lợi nhuận của cổ đông” - Chủ tịch HĐQT Petrolimex khẳng định./.
Bình luận