Theo nhiều chuyên gia, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được đánh giá là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, sẵn sàng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới. Đây là nghị quyết mang tầm vóc thời đại, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, chiến lược, cách mạng, đồng thời là tiền đề để phát hiện những điều mới, khí thế mới, sung lực mới, tạo động lực cho toàn dân tộc chung tay góp sức đưa đất nước phát triển trong khát vọng kỷ nguyên mới. Ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Sau 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thanh tự to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, hướng tới 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước, chúng ta cần có những đột phá, trong đó đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là con đường lựa chọn để thực hiện các bước nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước. Đây là điều kiện tiên quyết, thời cơ hiếm có để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, một trong những điều nổi bật của Nghị quyết 57 là khẳng định rõ thể chế pháp luật là điều kiện tiên quyết và phải đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Do đó cho rằng, cần khẩn trương hoàn thiện, đi trước một bước nhằm khơi thông, tháo gỡ các việc khó khăn, vướng mắc để huy động nguồn lực, giải phóng sức mạnh vật chất, tinh thần trí tuệ của cả đất nước, cả dân tộc để thực hiện thành công các mục tiêu mà nghị quyết đề ra.
Đồng thời, ông Lê Quang Huy đưa ra đề xuất, cần phải rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ tất cả các quy định của pháp luật có liên quan. Không chỉ các luật liên quan trực tiếp đến khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, mà còn cần điều chỉnh pháp luật về đầu tư, tài chính, mua sắm công, tổ chức bộ máy, và các lĩnh vực liên quan khác như cung cấp năng lượng sạch, sản xuất công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo: Xoá bỏ mọi tư tưởng, quan điểm, rào cản đang cản trở sự phát triển, cần phải nhận diện đúng và đầy đủ các điểm nghẽn, rào cản để tháo gỡ và xoá bỏ. Cần phải đánh giá tổng kết thực thi pháp luật; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; quan tâm hoàn thiện các chế định về đầu tư mạo hiểm. Cần giải mã và làm rõ nội hàm, đồng thời lượng hóa về thể chế, theo Nghị quyết 57 là đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh. Yêu cầu này là chính sách pháp luật cần đảm bảo tính ổn định, minh bạch, tạo niềm tin và mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các quyền chính đáng của mình; giảm thiểu chi phí tuân thủ và đi trước để khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ, cũng như mô hình kinh doanh mới dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo./.
(Nguyễn Thúy Hằng/VOV1)
Bình luận