Có thể nói rằng, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã đến Trung Đông với nhiều mục tiêu: Thứ nhất, thu hút 1.000 tỷ USD đầu tư cho nước Mỹ và thứ hai xử lý 4 hồ sơ khủng hoảng: dỡ bỏ lệnh cấm vận Syria, giải quyết cuộc xung đột Israel-Hamas, thúc đẩy đàm phán Nga–Ukraine, và đưa ra tối hậu thư với Iran. Bởi vậy, trước thềm chuyến đi, ông Trump đã không ngần ngại nhấn mạnh rằng: “Tôi sẵn sàng kết thúc xung đột cũ, kiến tạo quan hệ mới vì một thế giới ổn định hơn.”
Với 4 ngày của chuyến thăm, ông Trump được cho là đã có những thu hoạch đáng kể. Tại A-rập Xê-út, ông Trump đã ký kết với quốc gia này các thỏa thuận trị giá 600 tỷ USD trong các lĩnh vực năng lượng, đầu tư quốc phòng, khoáng sản. Tại Qatar, Tổng thống Trump đã ký các thỏa thuận trị giá 1.200 tỷ USD, bao gồm việc bán 210 máy bay Boeing…. cam kết nâng cấp căn cứ An U-đơi (Al Udeid) với 38 tỷ USD đánh dấu bước tiến lớn về kinh tế, an ninh giữa Washington và Doha. Tại Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất, hai nước cũng đã ký kết các thỏa thuận trị giá hơn 200 tỷ usd. Như vậy, tổng cộng Tổng thống Donald Trump đã ký các thỏa thuận trị giá hơn 2.243 tỷ usd với 3 quốc gia Vùng Vịnh chỉ trong một chuyến đi, vượt xa với mục tiêu 1000 tỷ usd đặt ra; một con số khổng lồ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn đối với nước Mỹ và khu vực.

Về chính trị, việc chọn 3 nước vùng Vịnh là điểm đến đầu tiên của nhiệm kỳ cho thấy khu vực này là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu của Tổng thống Trump. Với việc công bố Syria đồng ý tham gia Hòa ước Abraham, cuộc gặp mặt và bắt tay Tổng thống lâm thời Syria A-mét An Sa-ra (Ahmed al-Sharaa), đồng thời tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Syria, đây được coi là bước ngoặt đối với Trung Đông, giúp giảm nguy cơ bất ổn lan sang các nước láng giềng trong khu vực. Viễn cảnh một Trung Đông không vũ khí hạt nhân, Syria hòa giải với Israel, các nước Vùng Vịnh hợp tác kinh tế – có thể biến khu vực này từ điểm nóng xung đột thành “ốc đảo hòa bình và thịnh vượng” đang dần hiện hữu. Từ dải Gaza đến Iran, đối thoại ngoại giao bắt đầu thay thế đe dọa quân sự – rõ ràng là một kết quả hiếm hoi trong 20 năm qua ở khu vực.
Dưới góc nhìn phân tích, dường như Tổng thống Trump đang tái cấu trúc vai trò của Mỹ tại Trung Đông bằng sức mạnh mềm và ảnh hưởng kinh tế. Bởi nhờ các hợp đồng quân sự khổng lồ, việc thúc đẩy đầu tư, công nghệ và đồng thuận chính trị thay cho can thiệp trực tiếp…. chính sách mới của Mỹ ở Trung Đông trong nhiệm kỳ 2 của ông Donald Trump không chỉ bảo đảm lợi ích an ninh mà còn giúp Mỹ giảm gánh nặng quốc phòng mà không cần mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực. Qua đó, Mỹ có thể tập trung hơn vào chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối phó với Trung Quốc. Rõ ràng, về mặt địa chính trị, Mỹ không rút lui khỏi Trung Đông, mà trở lại với tư cách “người dẫn dắt cuộc chơi” thay vì vai trò “cảnh sát toàn cầu” như trước đây.
Có thể nói, chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump mở ra một chương mới cho quan hệ chiến lược với lợi ích gắn kết giữa vùng Vịnh với Mỹ. Ý nghĩa biểu tượng và thực tiễn của chuyến thăm cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đã triển khai những bước đi tính toán khôn ngoan tại khu vực./.
Hồ Điệp
Bình luận