Chính sách tài khóa mở rộng, trong đó có việc việc giãn, giảm thuế được tiếp tục thực thi trong năm nay là một trong những yếu tố quan trọng, tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp, tạo nên những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm, hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng của cả năm 2025 này.
Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt hơn 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Số thu ngân sách tăng khá, trong khi đã thực hiện giảm, hoãn tới 67 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Cụ thế, số thuế được giảm là khoảng 29,8 nghìn tỷ đồng; thuế gia hạn khoảng 37,2 nghìn tỷ đồng.
Tiền thuế được giảm, là tiền được để lại doanh nghiệp, là thêm nguồn vốn để quay vòng trong sản xuất kinh doanh. Thậm chí là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trong những tình huống khẩn cấp.
Tiền thuế được giãn, giúp giảm áp lực tài chính, thêm thời gian, thêm cơ hội trong kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thực tế chứng minh chính sách tài khóa mở rộng, do Quốc hội thông qua và được Chính phủ thực thi, đã phát huy tác dụng. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các chính sách tài khóa, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được ban hành kịp thời, tập trung triển khai ngay từ đầu năm đã góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, thích ứng linh hoạt, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. “Nuôi dưỡng nguồn thu”, song hành với “thu đúng, thu đủ” đã tạo nên kết quả khả quan cho ngân khố quốc gia, tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp, tăng niềm tin vào điều hành chính sách.
Ngoài các chính sách miễn, giảm, giãn thuế tiếp tục thực hiện trong năm 2025 này, ngay tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 11 chính sách cụ thể, mở rộng các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; viện, trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ số… Như vậy, chính sách thuế sẽ tiếp sức cho các doanh nghiệp, mạnh dạn khởi nghiệp, đầu tư vào những lĩnh vực được ưu tiên, định hướng trong chiến lược tăng trưởng nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được áp dụng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm và năm 2026, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện ổn định sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trước tác động từ chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ. Việc kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất, tăng thu ngân sách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai chính sách giảm, giãn thuế những năm qua, trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid 19, tiếp tục đối mặt với những “cơn gió ngược”, biến động của kinh tế toàn cầu.
Giảm thuế phí, giãn hoãn thuế - tăng niềm tin, thêm động lực cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục đồng lòng vượt khó, hướng tới những mục tiêu phát triển trước mắt và lâu dài.
Ngọc Diệu/VOV1
Bình luận