Sáng nay 13/07, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Lãnh đạo các tỉnh/thành phố khu vực đồng bằng Sông Cửu Long về tình hình, kết quả triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng, tổ chức, hoạt động của Chính quyền địa phương hai cấp; tiến độ các dự án đường cao tốc, các dự án hạ tầng lớn trên địa và kết quả thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nêu tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: việc giải quyết chế độ chính sách đối với những cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc; rà soát hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, thực hiện tiếp nhận phân cấp, phân quyền, phân định thầm quyền từ trung ương đến địa phương đã rất chủ động. Đặc biệt là tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, đi đầu từ Bí thư, Chủ tịch UBND để giải quyết các vấn đề cụ thể, thực hiện mục tiêu cao nhất là quan tâm, phục vụ người dân tốt hơn chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ tổng rà soát lại toàn bộ tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cấp xã, cấp tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh phải ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp xã phải ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã. Hết sức chú ý đến cái hạ tầng kỹ thuật, để đảm bảo đồng bộ và thống nhất được hệ thống hạ tầng khi sắp xếp hợp nhất các địa phương. Nhất là hạ tầng cấp xã để đảm bảo giải quyết được thủ tục hành chính. Đề nghị tập trung tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng… nhất là cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để làm sao đáp ứng được yêu cầu.
Về tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết: toàn bộ các tỉnh phía Nam đang triển khai 21 dự án giao thông, trong đó 13 dự án hoàn thành năm 2025 với chiều dài 354km. Riêng đối với tuyến Cao tốc Cần Thơ- Cà Mau đến nay 100% vật liệu xây dựng đã đảm bảo. Dự kiến hoàn thành và thông xe đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp 19/12 năm nay. Về dự án Biên Hòa- Vũng Tàu với quyết tâm của Đồng Nai và quyết tâm của các đơn vị đến nay vượt 20% tiến độ và không đơn vị nào thiếu nguyên liệu xây dựng. Về tiến độ sân bay Long Thành, Bộ trưởng cho biết đang được đẩy nhanh tiến độ để cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết: Đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai với nhiều hiệu quả tích cực, cuối tháng 6 vừa qua đã tổ chức lễ xuất khẩu 500 tấn gạo mang thương hiệu “gạo Việt sạch, phát thải thấp” sang thị trường Nhật Bản.

Thứ trưởng cũng cho biết, trong phạm vi triển khai có 620 hợp tác xã tham gia Đề án.. Đến giờ này có khoảng 200 doanh nghiệp cung cấp đầu vào và đầu ra, liên kết với doanh nghiệp. Như vậy, trong 232 nghìn héc-ta triển khai trong vụ hè thu thì có khoảng 68% diện tích đã được liên kết, kể cả đầu vào và tiêu thụ đầu ra. Đây là tin mừng và cũng chính là mục tiêu của đề án là mong muốn có sự liên kết.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đạt tiến độ, nhiều dự án đã hoàn thành 100% mặt bằng. Tuy vậy, các dự án giao thông trọng điểm ở phía Nam, tập trung là dự án trục dọc (Cần Thơ - Cà Mau), trục ngang (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và một số dự án quan trọng khác ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế. Do đó, Thủ tướng đề nghị tất cả các công trình dự án cần triển khai, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Về Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long, Thủ tướng cho rằng Đề án có ý nghĩa lớn, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và xuất khẩu sang các nước như: Phillipine, Malaysia, Indonesia, Singapore…và các đối tác tại Nam Mỹ. Thực hiện Đề án cũng đảm bảo đầu ra cho lúa gạo, tránh “được mùa, mất giá”, đặc biệt chủ động tích cực, góp phần chống biến đổi khí hậu, chống ngập úng, khô hạn, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho người dân.
Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề yêu cầu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục quán triệt các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Kết luận số 177 của Bộ Chính trị để thực hiện quyết liệt, hiệu quả bảo đảm thông suất, ổn định đơn vị hành chính 2 cấp tại môi địa phương. Tập trung sắp xếp đầy đủ đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, nhất là cấp xã; chuẩn bị đầy đủ cán bộ cho Đại hội Đảng bộ các cấp, linh hoạt vận dụng một số tiêu chí, tiêu chuẩn. Chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội 2 cấp; giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, không để ách tắc, tiêu cực. Đồng thời củng cố hệ thống y tế cơ sở, không để người bệnh không có nơi chữa bệnh. Hệ thống chính trị 2 cấp phải hoàn thiện hạ tầng số, đặc biệt ở các nơi điều kiện khó khăn.

Về các công trình trọng điểm quốc gia, Thủ tướng cho rằng, tiếp tục tinh thần “vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió”, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho dự án; chính quyền tháo gỡ mang tính pháp lý; mặt trận tổ quốc các đoàn thể hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống… cho công nhân trên công trường. Các nhà thầu huy động các nhà thầu phụ ở địa phương triển khai các công trình, dự án. Bộ Xây dựng, hướng dẫn, định hướng đơn giá, nguyên vật liệu không phải đấu thầu. Bộ Nông nghiệp Môi trường gỡ khó về vật liệu xây dựng. Chuẩn bị mọi điều kiện để khánh thành công trình vào 19/12/2025 và hoàn thành các hệ thống trạm dừng chân, dừng nghỉ và các công trình dự án khác.
Đối với 1 triệu triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, bền vững, Thủ tướng đề nghị việc đầu tiên là phải hoàn thiện quy hoạch xong 1 triệu héc-ta lúa vào trong quý III năm 2025. 1 triệu héc-ta lúa này ở An Giang bao nhiêu? Đồng Tháp bao nhiêu? Cà Mau bao nhiêu? thành phố Cần Thơ bao nhiêu? Công tác quy hoạch là phải được hoàn thành. Thứ hai, phải xây dựng thương hiệu lúa, thương hiệu gạo cho Việt Nam. Gạo Viêt Nam có ST25 rồi, ngoài ra thì còn thương hiệu gì nữa? xây dựng các thương hiệu mới để rồi đi thi tạo ra nhiều thương hiệu, cũng như thương hiệu gạo của Việt Nam nói chung, Thủ tướng nêu rõ.
Về huy động nguồn lực, Thủ tướng giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam có chính sách ưu đãi để triển khai Đề án. Bộ Tài Chính huy động các nguồn vốn hợp pháp. Bộ Công thương triển khai các Hiệp định về lúa gạo, đảm bảo đầu ra cho người nông dân. Các tỉnh, thành phố thành lập các Hợp tác xã triển khai Đề án.
Dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh An Giang, đặc biệt là Phú Quốc triển khai việc hạ tầng cho APEC, đảm bảo nhanh, đẹp, xứng tầm với vai trò của đất nước. Tập trung xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, đảm bảo giao thông liên kết với các hoạt động APEC./.
Lại Hoa/ VOV1
Bình luận