Thủ tướng: Cải cách mạnh mẽ, tạo xung lực mới để phát triển kinh tế tư nhân
VOV1 - Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quán triệt chuyên đề về “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân”.

Ngày 18/5, tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội nghị. Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước.

Trước giờ diễn ra Hội nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan triển lãm “những thành tựu trong xây dựng và thi hành pháp luật; những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân”, tại tầng 1, Nhà Quốc hội.

Triển lãm có 21 gian hàng của 21 doanh nghiệp đại diện cho gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân trong cả nước. Các gian hàng trưng bày, giới thiệu những thành tựu nổi bật trong phát triển, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng như các sản phẩm dịch vụ, công nghệ, trí tuệ nhân tạo của các doanh nghiệp tư nhân trong cả nước. Các gian hàng trưng bày tại triển lãm góp phần minh họa sinh động về sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong gần 40 năm qua, kể từ khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới - Khu vực đang đóng góp trên 51% GDP, hơn 82% việc làm và ngày càng vươn ra thị trường quốc tế.

Quán triệt Chuyên đề 1 về “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: gần 40 năm qua, từ khi Đổi mới đến nay kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện trên cơ sở cụ thể hoá các chủ trương, đường lối, quan điểm, định hướng của Đảng, tạo khung pháp lý thống nhất, thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, bảo đảm quyền tự do kinh doanh bình đẳng.

Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5.000 doanh nghiệp năm 1990 lên 50.000 doanh nghiệp năm 2000, và 200.000 năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.

Mặc dù vậy, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia. Mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đề ra tại Nghị quyết 10 năm 2017 vẫn chưa đạt được. Gần 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Việc tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn, nhất là về tài chính, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao. Kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế…

Phân tích các nguyên nhân hạn chế, Thủ tướng cũng nêu 5 bài học kinh nghiệm và đặt ra yêu cầu về chính sách đột phá phát triển kinh tế tư nhân: “Khó khăn cũng có cơ hội để chúng ta tái cơ cấu lại nền kinh tế, tái cơ cấu lại chuỗi sản xuất, tái cơ cấu lại thị trường, tái cơ cấu lại sản phẩm. Vừa qua, đại dịch Covid-19 là một điển hình phải tái cơ cấu lại thị trường, tái cơ cấu lại sản phẩm, tái cơ cấu lại sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang thực hiện đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ai làm việc này, chủ yếu là doanh nghiệp, còn Nhà nước phải kiến tạo”.

Thủ tướng nêu rõ: Nghị quyết 68 đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nổi bật là kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới: “Chúng tôi chỉ đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị phát động phong trào “Toàn dân thi đua làm giàu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Sau khi có Nghị quyết này sẽ phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu".

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Nêu 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ. Trong đó, tập trung đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân. Thủ tướng cho rằng đây là yêu cầu trước hết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, cần thống nhất nhận thức, hành động của các cấp uỷ, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân.

Với nhóm giải pháp đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân, Thủ tướng cho rằng nhóm giải pháp này nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả vấn đề thể chế, không để thể chế tiếp tục là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, mà là động lực thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân phát triển. Phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để củng cố niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Đảm bảo nguyên tắc khi xử lý các sai phạm vụ việc dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự kinh tế hành chính trước, cho phép được chủ động khắc phục sai phạm thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng, xử lý. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục về kinh tế và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử".

Thủ tướng cũng cho biết, điểm mới của Nghị quyết nữa là đưa ra các giải pháp cụ thể đối với những vấn đề đang vướng mắc: đất đai, tín dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân. Triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành. Thúc đẩy giáo dục, đào tạo các kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số trong tất cả các bậc học đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.       

Đồng thời thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Nhằm chính thức hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của hộ kinh doanh, đóng góp cao hơn vào phát triển kinh tế đất nước. Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Tại Hội nghị, đại diện cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ vui mừng khi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân được hưởng nhiều cơ chế đặc biệt như: chính sách hỗ trợ tín dụng, đất đai, thuế, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.... Việc ban hành Nghị quyết giúp doanh nghiệp có chiến lược và giải pháp sản xuất kinh doanh đột phá thời gian tới./.

Lại Hoa/VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận