Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai. Riêng năm 2024 có 28 dự án đã hoàn thành, 23 dự án được cấp phép, khởi công xây dựng. Con số này tăng khá cao so với những năm trước đó.

Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội, cụ thể như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bình Thuận... Hiện trên cả nước có 10 địa phương đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của địa phương; 30 địa phương đã ban hành kế hoạch lập triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ.”
Bên cạnh điều chỉnh về cơ chế, chính sách, Chính phủ còn triển khai các gói tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Các ngân hàng thương mại được hướng dẫn giảm lãi suất cho vay đối với dự án nhà ở xã hội, trong khi người mua nhà có thể tiếp cận những chương trình tín dụng ưu đãi. Cùng với đó, quá trình giải ngân được đẩy nhanh để doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, đồng thời xem xét mức lãi suất hợp lý hơn để các chủ đầu tư thuận lợi tham gia vào lĩnh vực này. Theo thống kê, nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội (hiện nay là 145.000 tỷ đồng) đã được giải ngân 2.845 tỷ đồng, gồm 2.580 đồng cho chủ đầu tư tại 20 dự án, 265 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội, các bộ, ngành cũng đã khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành 9 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng, đồng thời ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết các luật mới ban hành (Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024...). Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó có những giải pháp mang tính đột phá, đề xuất một số cơ chế thí điểm, như chỉ định thầu, xây nhà bằng cấu kiện lắp ghép sản xuất hàng loạt, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính trong năm 2025. Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định nhưng hiệu quả chưa cao. Thủ tướng yêu cầu địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, với quan điểm lấy con người là trung tâm, là chủ thể, mọi chính sách phải hướng đến con người.
Việc xây dựng 1.000.000 căn nhà ở xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng đầy thách thức, để đạt được mục tiêu này cần sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ từ Chính phủ, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Nếu các giải pháp được triển khai hiệu quả, nhà ở xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu về nhà ở mà còn là một động lực phát triển kinh tế xã hội, góp phần tăng đầu tư tiêu dùng, bảo đảm an sinh tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển dân số phát triển đô thị sáng xanh sạch đẹp.
Bình luận