Bộ Nội vụ và các cơ quan đang khẩn trương tham mưu xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp, sáp nhập một số tỉnh, thành phố; sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng và hiệu quả.
Theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả nước sẽ sáp nhập tỉnh để giảm khoảng 50% tỉnh, thành phố; bỏ cấp huyện và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, giảm còn khoảng 5.000 đơn vị.
Việc chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải toàn diện hơn, năng lực phải phù hợp với tình hình mới.
GS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá, việc không tổ chức cấp huyện sẽ hình thành mô hình quản trị tinh gọn- đây là một cuộc cải cách có tính cách mạng đối với tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đồng thời đưa ra nhận định, cải cách lớn, bao giờ cũng kèm theo thách thức, trao quyền nhiều hơn cho cấp cơ sở cũng đồng nghĩa với việc phải tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do đó cần có sự thay đổi trong phương thức quản lý, trong tổ chức và vận hành, bảo đảm bộ máy tinh gọn mà vẫn hiệu quả.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho hay khi sắp xếp sáp nhập gọn lại bộ máy chính quyền đặt ra yêu cầu năng lực quản lý của cán bộ ở các địa phương sẽ phải được nâng cao lên. Vì thế, cần thiết phải quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ máy ở địa phương sát hợp với yêu cầu thực tiễn, bố trí người đúng năng lực, sở trường của họ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, sắp xếp bộ máy không chỉ đơn thuần là giảm số lượng, mà phải đi đôi với nâng cao chất lượng, lựa chọn đúng người, đúng việc. Nếu không có phương án, giải pháp cụ thể để giữ chân người tài, người có năng lực nổi trội trong quá trình tinh gọn bộ máy thì có thể dẫn đến tình trạng "lọc nhầm", dẫn tới “chảy máu chất xám”, từ đó làm suy giảm năng lực vận hành của hệ thống. Đồng thời nêu quan điểm, những cán bộ được đánh giá có phẩm chất, năng lực nổi trội nhưng xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc thì tổ chức cần xem xét giữ lại vì lợi ích chung. Ngược lại, người không đủ năng lực dù không xin cũng phải cho về theo chủ trương chung. Muốn như vậy, người đứng đầu phải công tâm, khách quan và dám chịu trách nhiệm về những đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo dự thảo Nghị quyết mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, số xã, phường trên cả nước giảm từ 10.035 xuống khoảng 5.000. Dự kiến khi bỏ cấp huyện sẽ có 1/3 công việc được chuyển lên cấp tỉnh và 2/3 sẽ chuyển xuống cấp xã. Vai trò của cấp xã sẽ rất quan trọng và đây là cấp gần dân nhất, vừa làm chức năng của cấp xã, vừa làm chức năng của cấp huyện, trực tiếp giải quyết các công việc hằng ngày của nhân dân. Do vậy cần cơ cấu lại tổ chức bộ máy cấp xã một cách khoa học, hiệu quả. Đồng thời nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đáp ứng yêu cầu mới.
Bình luận