Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc
VOV1 - Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của người dân, Hà Nội đã giành được những kết quả quan trọng, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thông tin từ Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, đến nay, 17/17 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi đạt chuẩn, các địa phương tiếp tục nâng cao các tiêu chí. Theo đó, đến thười điểm này, Hà Nội có 5 huyện là Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai và Đông Anh được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống dân sinh, chính quyền địa phương và người dân đã dồn sức đầu tư nguồn lực, ngày công để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới: “Có thể nói bộ mặt nông thôn đổi thay rất nhiều, ví dụ như điện đường trường trạm. Đời sống vật chất tinh thần cũng nâng lên rõ rệt, các câu lạc bộ cho người dân vui chơi hình thành…”

Theo ông Nguyễn Văn Khương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thực sự là cú hích giúp thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Trong đó, dấu ấn rõ nét là sự hồi sinh, phát triển mạnh mẽ của làng nghề truyền thống mây tre đan nổi tiếng Phú Vinh (hơn 400 năm tuổi).

Nghề mây tre đan truyền thống Phú Vinh không chỉ tạo công ăn việc làm thường xuyên cho phần lớn lao động của xã mà còn giúp đào tạo nghề, việc làm cho người dân các địa phương khác. Với doanh thu khoảng 500 đến 600 tỷ đồng/năm, làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã đóng góp rất lớn cho kinh tế địa phương, tạo nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới: “Chúng tôi đã về đích nông thôn mới từ năm 2018 và trong năm nay chúng tôi phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó là tập trung nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân”

Cùng với tập trung xây dựng nông thôn mới, Hà Nội cũng chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho năng suất hiệu quả kinh tế cao, như: Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn kết, huyện Ứng Hòa; Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng, huyện Thanh Trì…. Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, Thủ đô thực hiện xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế phù hợp với đặc thù từng địa phương, gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị: “Qua thực hiện chương trình nông thôn mới thì đời sống vật chất tinh thần người dân nông thôn trên địa bàn Thủ đô được cải thiện rất rõ rệt…”

Với cách làm bài bản của các cấp ngành, địa phương, sự hưởng ứng tích cực của người dân, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có nhiều chỉ tiêu vượt trước so với mục tiêu đề ra như: giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/ha đất nông nghiệp; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên… Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 74 triệu đồng, tăng 18,8 triệu đồng/người/năm so với năm 2020, thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Bà Hà Diệu Thư, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì nhấn mạnh: “Năm 2024 chúng tôi đã được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện. Qua kết quả của việc thực hiện chương trình, lãnh đạo xã cũng như người dân chúng tôi xác định xây dụng nông thôn mới có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc. Thực tế cho thấy chúng tôi nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân về chương trình này”

Từ kết quả, nền tảng thời gian vừa qua, trong giai đoạn 2026 - 2030, thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư để duy trì, nâng cao các tiêu chí, với tinh thần “xây dựng nông thôn có điểm đầu, nhưng không có điểm kết thúc”./.

Huy Nam/VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận