Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từng được công nhận bệnh viện hạng đặc biệt thuộc Bộ Y tế. Cơ sở 2 của 2 bệnh viện này (tại tỉnh Hà Nam) dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay, sẽ sử dụng nhân lực, quy trình kỹ thuật và đầu tư trang thiết bị tương đương cơ sở 1. Thế nhưng, theo quy định hiện hành, những cơ sở y tế mới thành lập chỉ được xếp ở cấp khám chữa bệnh cơ bản (tương đương bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện). Ông Nghiêm Trần Dũng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết: cũng theo quy định hiện hành, những cơ sở y tế mới thành lập phải sau 2 năm mới được xem xét để nâng lên cấp cao hơn.
“Nếu Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cử các bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề xuống cơ sở 2 làm việc thì về mặt chuyên môn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, việc xếp cấp chuyên môn còn có nhiều tiêu chí khác, không đơn thuần chỉ là thực hiện được một số dịch vụ kỹ thuật. Cho nên, trong giai đoạn tạm thời có thể xếp vào cấp cơ bản, nhưng 2 năm sau đủ điều kiện để xếp cấp chuyên sâu thì sẽ xếp ở cấp chuyên sâu.”- Ông Nghiêm Trần Dũng cho biết thêm.

Cơ sở 1 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang được xếp ở cấp khám chữa bệnh chuyên sâu. Nếu cơ sở 2 bị xếp ở cấp khám chữa bệnh cơ bản (tương đương bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện) thì có thể gây ra những vướng mắc trong liên thông chuyên môn và tổ chức vận hành. Trước vấn đề bất cập vừa nêu, Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đang trong quá trình xin ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 96 và Thông tư 32 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, để góp phần giải quyết vấn đề này:
"Lúc xây dựng và ban hành Nghị định, chúng ta chưa nghĩ đến những vấn đề có thể phát sinh này. Một bệnh viện hạng đặc biệt đang được xếp cấp chuyên sâu, nay có thêm cơ sở được đầu tư hiện đại. Bộ Y tế sẽ tính toán, tham khảo ý kiến các chuyên gia về pháp lý và hội đồng chuyên môn để việc sửa đổi các quy định của pháp luật đảm bảo đúng và không đẩy lùi sự phát triển.”- TS, BS Hà Anh Đức khẳng định.
Các vấn đề bất cập khác cũng đang được đưa ra lấy ý kiến trong quá trình sửa đổi Nghị định 96 và Thông tư 32 gồm: đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề, điều kiện đảm bảo hoạt động chuyên môn và đảm bảo an toàn của cơ sở khám chữa bệnh, vấn đề thực hành của bác sĩ chuyên khoa, hồ sơ cấp phép và những thủ tục hành chính khác, cũng như các quy định về thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động, xử phạt vi phạm hành nghề..../.
Văn Hải/VOV1
Bình luận