Theo báo cáo của Bộ Y Tế, tỷ lệ người được chẩn đoán trầm cảm ở nước ta dao động từ 3,1 đến 6% dân số tuỳ theo vùng, ít hơn ở thành thị và đạt đỉnh ở các thành phố lớn. Nhiều em học sinh chia sẻ, thường xuyên bị trầm cảm kéo dài vì áp lực từ việc học tập, điểm số, vì chưa tìm được sự chia sẻ của gia đình: "Lúc nào bố cũng muốn em phải đứng đầu, trong top, em bị điểm 6 điểm 7 thôi là bị mắng rồi. Hồi đầu em cũng cố gắng giải thích. Về sau thì thấy những giải thích cũng không cần thiết nữa vì em có giải thích như thế nào thì bố mẹ cũng vẫn sẽ không quan tâm. Mình vẫn sẽ bị ra rả bên tai là mày học dốt, không bằng anh mày. Mình không bằng được anh nên áp lực lên."
Đã có những bạn trẻ phải bất lực thốt lên: "Không ai hiểu mình cả, cảm thấy cô đơn nên muốn chấm dứt cuộc sống..." Không thể chia sẻ với người thân, bạn bè vì gia đình không có thói quen chia sẻ, không biết làm thế nào nói được với những người xung quanh các rối loạn tâm lý của bản thân khiến trẻ tự loay hoay với chính mình và chưa thể vượt qua các bệnh lý khiến trầm cảm càng thêm nghiêm trọng.
Là chuyên gia tâm lý nhiều năm gắn bó và đồng hành cùng các học sinh, bạn trẻ, PGS.TS Nguyễn Phương Hoa cho rằng, chính những ngộ nhận về bệnh trầm cảm đã hạn chế sự tiếp cận đầy đủ và đúng đắn về kiến thức của căn bệnh này, đồng thời giới hạn khả năng tiếp cận của người bệnh với hệ thống trợ giúp y tế, người thân của người bệnh cũng không được trang bị kiến thức và tinh thần để đồng hành hiệu quả với người bệnh nên dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc: "Có 80-90% các ca trầm cảm được chăm sóc đều có tiến triển tốt. Nếu trầm cảm được chữa trị ngay từ cơn trầm cảm đầu tiên thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao 70-80%. Nếu mà chúng ta để đến cơn thứ 2 thì tỷ lệ khỏi bệnh sẽ giảm xuống rất nhiều dưới 50% và nếu mà để các cơn trầm cảm thứ 3, thứ 4 cứ lặp đi lặp lại chúng ta mới chăm sóc thì chúng ta phải chấp nhận chung sống với căn bệnh này. Việc chữa khỏi bệnh trầm cảm không giống như chúng ta quay trở lại hồi chúng ta chưa bị mà chúng ta biết cách đối phó với cơn trầm cảm khi nó tới."
Với mong muốn độc giả hiểu thêm về những góc khuất trong tâm lý, cảm xúc của người trầm cảm, tác giả - PGS.TS Nguyễn Phương Hoa đã chuyển rất nhiều thông tin ý nghĩa qua cuốn sách “Hãy nói rằng con cần mẹ - Cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm”, từ những tình huống cụ thể của chính các bệnh nhân trầm cảm, các triệu chứng, biểu hiên và tình huống thường gặp khi sống cùng người trầm cảm đến việc kiên trì, can đảm ra sao giúp người bệnh thay đổi lối sống, kết nối gia đình, bạn bè, niềm tin, nghệ thuật…
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa nhấn mạnh vai trò then chốt của gia đình, không chỉ ở sự đồng hành mà còn ở việc chăm sóc tốt chính những thành viên khác, kiên trì trong yêu thương và dũng cảm để cùng nắm tay họ bước tiếp./.
Bình luận