"Xanh hóa" công nghiệp, giải pháp để Đồng Nai phát triển bền vững
VOV1 - Là một tỉnh đầu tàu công nghiệp, Đồng Nai đang đối mặt với thách thức không nhỏ về ô nhiễm từ các khu, cụm công nghiệp. Trước áp lực này, Đồng Nai quyết liệt chuyển đổi mô hình, thúc đẩy giải pháp xanh và kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và môi trường.

Phát triển cụm công nghiệp theo hướng xanh

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn có 16 cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập. Trong số đó, 4 CCN đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật chung, 5 CCN đã hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Tuy nhiên, vẫn còn 7 CCN chưa triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật môi trường.

Ông Văn Hữu Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, chỉ rõ những bất cập. Đó là nhiều CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng xử lý chưa đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Bên cạnh đó, tình trạng rác thải công nghiệp, đặc biệt là chất thải nguy hại, không được phân loại và xử lý đúng quy trình còn diễn ra.

Ông Văn Hữu Đồng cũng bày tỏ lo ngại về thực trạng của các cơ sở sản xuất nằm ngoài CCN: Các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài CCN hiện còn khá nhiều, khó đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, môi trường do có hệ thống xử lý nước thải nhưng xử lý không hiệu quả hoặc một số đơn vị trốn không xử lý triệt để chất thải về môi trường. Một số trường hợp không tuân thủ quy định, gây nhiều bức xúc cho người dân.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã định hướng phát triển các CCN theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng và tăng cường bảo vệ môi trường. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Văn Hữu Đồng đề xuất cần xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách đủ mạnh nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia vào việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN, đặc biệt là chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường.

Sở Công Thương cũng kiến nghị các giải pháp đồng bộ khác, bao gồm: thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác quản lý môi trường, ứng dụng công nghệ hiện đại để giám sát và tự động thu thập dữ liệu.

Song song đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường toàn diện cho các CCN nhằm phục vụ hiệu quả việc quản lý, dự báo và ra quyết định.

Đồng Nai cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi công nghệ hoặc di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm từ bên ngoài vào CCN để tối ưu hóa công tác quản lý môi trường tập trung.

Kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 37 KCN đã được thành lập, trong đó 31 KCN đang hoạt động với các dự án đầu tư.

Đáng chú ý, tất cả các KCN này đều đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, và 100% doanh nghiệp hoạt động trong KCN đã lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Bà Dương Thị Xuân Nương, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải phát triển các KCN theo hướng gắn liền với kinh tế tuần hoàn.

Bà cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp trong các KCN ở Đồng Nai đã và đang chủ động triển khai mô hình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, thực hiện cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chia sẻ thêm về các hoạt động này, bà Dương Thị Xuân Nương cho biết: Thực hiện việc cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải. Những nội dung này trong thời gian qua đã được Ban quản lý tuyên truyền đến các doanh nghiệp, và doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác xử lý bảo vệ môi trường thông qua kiểm soát chặt chẽ chất thải rắn và giao cho đơn vị xử lý cụ thể.

Về vai trò của quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định chính quyền các cấp đóng vai trò then chốt trong công tác quy hoạch, giám sát và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề môi trường.

Bà nhấn mạnh rằng không thể trông chờ vào một ngành, một cấp hay một vài dự án riêng lẻ. Đây là nhiệm vụ tổng hợp, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và liên tục của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Liên quan đến trách nhiệm của UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Hoàng thông tin rằng, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các vấn đề môi trường.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hoàng chỉ đạo về việc nhân rộng các mô hình hiệu quả: Sau khi thành công trong thí điểm chuyển đổi KCN Amata chuyển sang KCN sinh thái, gắn với kinh tế tuần hoàn, đề nghị Ban quản lý các KCN tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các KCN hiện tại đang đi vào hoạt động.

Trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp ngày càng hạn hẹp, yêu cầu đặt ra cho sự phát triển công nghiệp của Đồng Nai là phải bước sang một giai đoạn mới, với trọng tâm là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đây là định hướng chiến lược để tỉnh xây dựng một nền công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hài hòa với mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm dần sự phụ thuộc vào lao động phổ thông, hướng tới sử dụng lao động chất lượng cao.

 Duy Phương/VOV-TP.HCM

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận