Việt Nam thử nghiệm thuốc ung thư mới của Mỹ có tín hiệu tích cực (Ngày 6/5/2025)
VOV1 - Sau 3 tháng triển khai nghiên cứu VISTA-1 về thuốc miễn dịch đường uống điều trị ung thư, 8 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối đầu tiên tại Việt Nam tham gia thử nghiệm bước đầu chưa ghi nhận tác dụng phụ đáng kể và có tín hiệu tích cực từ thuốc nghiên cứu.

# Qua 3 chiến dịch, ngành y tế Hà Tĩnh đã tiêm vắc-xin phòng sởi cho gần 10 nghìn trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 10 tuổi, góp phần từng bước phòng, chống hiệu quả với dịch bệnh. Việc triển khai thành công 3 chiến dịch tiêm chủng góp phần rất lớn phòng, chống sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh sởi. Qua giám sát thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp mắc sởi đều chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin theo quy định. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi có thông báo từ ngành y tế, người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng quy định để phòng tránh hiệu quả với bệnh sởi nói riêng và các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác nói chung.

# Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (tính từ ngày 25-4 đến ngày 1-5), toàn thành phố ghi nhận 191 trường hợp mắc sởi, giảm 7 trường hợp so với tuần trước đó. CDC Hà Nội nhận định, dịch sởi bắt đầu có xu hướng chững lại và giảm nhẹ, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy, có xu hướng tăng ở nhóm trên 10 tuổi, dự báo tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới. Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 313 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 23 trường hợp so với tuần trước. Trong đó, ghi nhận 4 ổ dịch tại Ba Vì, Hà Đông, Quốc Oai, Thanh Xuân. Về các dịch bệnh khác, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 12 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 1 trường hợp; ghi nhận 1 trường hợp mắc uốn ván người lớn tại Phú Xuyên (nam, 37 tuổi, tiền sử có vết thương gót chân trái)…

# Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, gần đây, số lượng người bệnh đột quỵ nặng và trẻ hóa có xu hướng gia tăng, tỷ lệ người bệnh từ 18 - 45 tuổi ngày càng nhiều. Hằng năm, Đơn nguyên Đột quỵ - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp nhận từ 600 - 700 bệnh nhân bị đột quỵ từ nhẹ đến nặng. Trung bình mỗi tháng tiếp nhận 50 - 60 bệnh nhân, trong đó có khoảng 10% số người bệnh còn khá trẻ, tăng so với các năm trước.

 # Bệnh viện TP Thủ Đức, TP.HCM, thông tin vừa điều trị thành công cho bệnh nhi viêm màng não do não mô cầu. Trước đó tối 25-4, bệnh nhi 13 tuổi, ngụ Bình Dương nhập viện với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội và ngủ gà kéo dài 2 ngày. Nhờ được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực bằng kháng sinh kết hợp các biện pháp hỗ trợ, sau 3 ngày bệnh nhi đã tiến triển tích cực. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt lưu ý một số biện pháp sau tiêm phòng vaccine đầy đủ theo lịch (từ 6-9 tháng tuổi). Theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường ở trẻ. Hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh và sử dụng kháng sinh dự phòng cho người tiếp xúc gần với bệnh nhân.

 # Trung tâm Y tế TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương vừa cấp cứu, phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nữ bị vỡ nang buồng trứng, ngập máu ổ bụng. Trước khi nhập viện, bệnh nhân bị đau quặn bụng. Siêu âm ổ bụng ghi nhận bệnh nhân bị dịch ổ bụng lượng nhiều. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển mổ cấp cứu. Các bác sĩ tiến hành mổ nội soi, phát hiện buồng trứng trái có nang Degraff kích thước 2x2cm vỡ và chảy máu trong ổ bụng với khoảng 1.000ml máu cục và máu loãng. Các bác sĩ và kỹ thuật viên đã tiến hành phẫu thuật bóc nang Degraff cầm máu, bảo tồn buồng trứng cho bệnh nhân.

 # Sau 3 tháng triển khai nghiên cứu VISTA-1 về thuốc miễn dịch đường uống điều trị ung thư tại Việt Nam, BVĐK Tâm Anh cho biết 8 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối đầu tiên được điều trị chưa ghi nhận triệu chứng bất thường đáng kể nào. Nghiên cứu VISTA-1 về thuốc miễn dịch đường uống RBS2418, do Công ty dược sinh học Riboscience (Mỹ) phát triển, có sự tham gia của các chuyên gia từ Đại học Stanford (Mỹ). Nghiên cứu được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vào đầu tháng 12/2024, ngay sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép triển khai thử nghiệm lâm sàng pha 2A vào tháng 9 tại Mỹ.

# Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh hô hấp gây khó thở vì nó khiến đường thở bị hẹp lại so với bình thường. Các tổn thương tại đường thở xảy ra khi  thường xuyên hít phải các chất kích thích có hại trong thời gian dài như khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp, ô nhiễm trong nhà, ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Theo Phó giáo sư – tiến sĩ – thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch hội lao và bệnh phổi Việt Nam, nguyên giám đốc bệnh viện phổi TW, hút thuốc lá hay hút thuốc lá thụ động là tác nhân gây bệnh lớn nhất. Cùng với các nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh kể trên, các yếu tố kết hợp sau khiến khả năng mắc phổi tắc nghẽn mãn tính càng cao là người trong độ tuổi từ 65-74, đó là người có tiền sử bệnh hen hay các bệnh hô hấp khác, người có tiền sử hút thuốc hoặc hít nhiều khói thuốc trước đây, người có gia đình mắc bệnh này... Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận