Bộ Y tế lên tiếng về 2 vụ bạo hành tại bệnh viện xảy ra trong hơn 1 tuần
VOV1 - Chỉ trong hơn 1 tuần đã xảy ra 2 vụ bạo hành nhân viên y tế tại Phú Thọ và Nam Định. Nhận được báo cáo của Sở Y tế 2 địa phương, ngày 7/5, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã lên tiếng về tình trạng này và kiến nghị giải pháp bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế.

Ngày 25/4/2025 tại Trung tâm y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ), trong khi các thầy thuốc đang cấp cứu cho cháu bé 12 tuổi thì bố của bệnh nhi do không kiềm chế được bản thân, đã có hành vi xâm hại đến sức khỏe của nhân viên y tế. Tại Cơ quan điều tra, sau khi được giải thích, người đàn ông này đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân và đã công khai xin lỗi các y, bác sĩ.

Tiếp đó, một vụ bạo hành khác xảy ra ngày 4/5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Xuất phát từ mâu thuẫn xảy ra tại khoa Nội, đến khi các thầy thuốc chuyển người bệnh sang khoa Hồi sức thì người nhà bệnh nhân đã đấm liên tiếp vào đầu và mặt của một nam điều dưỡng… Sau khi xem clip về 2 vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, hành vi tấn công nhân viên y tế là phản cảm, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

“Dưới góc độ pháp lý thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành vi gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự với chế tài là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, còn mức độ nghiêm trọng hơn thì hình phạt có thể là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”- Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Tình trạng bạo hành nhân viên y tế đã xảy ra nhiều năm trước, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Lĩnh vực khám chữa bệnh vốn mang nhiều áp lực, mỗi năm có khoảng 200 triệu lượt người đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, bình quân mỗi ngày có hàng trăm nghìn lượt. Có những bệnh viện rất đông bệnh nhân, tâm lý người bệnh muốn được khám nhanh, tư vấn kỹ lưỡng, nhưng nhiều khi cơ sở y tế không đáp ứng kịp. Số lượng bệnh nhân quá lớn tạo ra áp lực nặng nề cho cả 2 bên. Trong một số tình huống, có thể cán bộ y tế ứng xử chưa tốt… Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Sau khi 2 vụ bạo hành xảy ra tại Phú Thọ và Nam Định, Bộ đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh trong toàn ngành, yêu cầu các Sở Y tế làm việc ngay với cơ quan công an để đảm bảo an ninh bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ cứu người.

“Dù nguyên nhân là gì, hành vi hành hung nhân viên y tế, đặc biệt khi họ đang làm nhiệm vụ cứu người, là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Cho dù ai sai ai đúng, thì khi bác sĩ đang làm nhiệm vụ chuyên môn, phải đảm bảo an toàn để họ hoàn thành công việc. Là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ có những giải pháp, mục tiêu là giảm áp lực công việc cho các cơ sở khám chữa bệnh đang quá tải bệnh nhân, nhất là với các khoa Cấp cứu...”- TS Hà Anh Đức cho biết thêm.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định cũng là nơi cách đây ít ngày bị người dân phản ánh về việc thầy thuốc yêu cầu phải nộp đủ tiền mới cấp cứu cháu bé 4 tuổi bị tai nạn giao thông. Một số nhân viên y tế của bệnh viện này đang trong giai đoạn bị tạm đình chỉ để làm rõ vụ việc. Đây là vấn đề gây tranh cãi từ lâu khi có trường hợp cấp cứu, điều trị xong, bệnh nhân bỏ trốn, không nộp viện phí. Còn về phía bệnh viện, có thông tin cho rằng, tại một số nơi, nhân viên y tế phải bỏ tiền túi ra trả khi người bệnh bỏ trốn, không đóng tiền. Điều này cũng đòi hỏi Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong quy trình tiếp nhận cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh./.

Văn Hải/VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận