# Bộ Y tế cho biết, bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em do các biến chứng viêm phổi, viêm não, tiêu chảy nặng và suy dinh dưỡng. Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Thống kê của Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 trường hợp nghi sởi, 05 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; số trường hợp nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (19,2%), miền Bắc (15,1%), Tây Nguyên (8,7%).
# Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Sở Y tế Nghệ An yêu cầu các đơn vị y tế tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao. Từ đầu năm 2025 đến nay, Nghệ An ghi nhận 1.210 ca nghi sởi, ở 20/21 địa phương. Khu vực các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương và TP Vinh ghi nhận số ca cao nhất. Theo chu kỳ 5 năm 1 lần thì hiện là chu kỳ của dịch sởi bùng phát.
# Trong khi đó, ngành y tế Quảng Trị cho biết đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phòng chống, ngăn chặn dịch bùng phát. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc tiêm phòng vaccine cho trẻ. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, số vaccine sởi tại đơn vị hiện còn 4.770 liều, sử dụng trong chương trình tiêm chủng thường xuyên thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2025 khoảng 3 tháng. Vaccine sởi - rubella còn 6.180 liều, sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2025 khoảng 4 tháng.
# Thời tiết giao mùa tạo điều kiện cho các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, tác nhân truyền bệnh phát triển, đặc biệt là muỗi vằn - trung gian truyền sốt xuất huyết Dengue. Các chuyên gia cảnh báo đây là thời điểm nhiều bệnh "chực chờ", làm tăng nguy cơ "bệnh chồng bệnh". Theo thống kê từ Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, TP.HCM đã ghi nhận 4.213 ca sốt xuất huyết Dengue, tăng 125,3% so với cùng kỳ năm 2024, dù chưa vào mùa mưa. Tình hình miền Bắc nước ta cũng đáng báo động khi trong đợt rét đầu năm 2025, Hà Nội vẫn ghi nhận 137 ca mắc. Trước đó, năm 2023, Hà Nội cũng đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết Dengue cao gấp đôi so với TP.HCM – điều chưa từng xảy ra trong 40 năm.
# Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được kết quả kiểm nghiệm của sản phẩm kẹo rau củ Kera từ Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Theo đó, các chỉ tiêu về hàm lượng đạm, đường, chất béo, năng lượng tổng cơ bản phù hợp với bản tự công bố của sản phẩm. Tuy nhiên, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng đã phát hiện sản phẩm có chứa Sorbitol là một chất tạo ngọt với hàm lượng 33,4 g/100g nhưng không có ghi trên nhãn sản phẩm theo qui định. Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kiểm nghiệm thêm 1 số chất và chỉ tiêu an toàn. Trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và Sở Y tế Đắk Lắk đề nghị xử lý các vi phạm theo đúng qui định của pháp luật.
# Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị u mô đệm tiêu hóa (GIST) kích thước lớn ở tâm phình vị dạ dày, biến chứng chảy máu tiêu hóa và di căn gan. Trước đó, bệnh nhân nữ 46 tuổi, trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nhập viện trong tình trạng chảy máu đường tiêu hóa. Qua thăm khám lâm sàng, xét nghiệm, nội soi và chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chảy máu tiêu hóa do u mô đệm đường tiêu hóa (GIST) ở tâm phình vị dạ dày, di căn gan phải. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bán phần trên dạ dày và phục hồi lưu thông tiêu hóa bằng phương pháp Double-tract nhằm chống trào ngược và ngăn ngừa ung thư thực quản. Hai ngày sau mổ, bệnh nhân đã có thể vận động, được cho ăn uống trở lại theo chế độ hậu phẫu và sau mổ 7 ngày bệnh nhận được xuất viện.
# Theo PGS.TS. thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội lao và bệnh phổi Việt Nam, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có nhiều phương pháp để để điều trị, phòng ngừa bệnh phát triển một cách hiệu quả. Đối với phổi tắc nghẽn mãn tính, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng đến mục tiêu điều trị là giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, cải thiện gắng sức, ngăn ngừa và điều trị biến chứng; giảm các đợt tái phát. Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh. Dùng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bỏ thuốc lá, thuốc lào; tránh hít phải khói thuốc, hạn chế tiếp xúc với các loại khói, khí kích thích. Luyện tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bình luận