Ngôi mộ này được cho là thuộc về Hoàng tử Waserif-Re, con trai của Vua Userkaf, người sáng lập Vương triều thứ năm của Ai Cập, có niên đại hơn 4.400 năm. Trước đây, người ta biết rất ít về hoàng tử này.
Lăng mộ của Hoàng tử Waserif-Re được tìm thấy cùng với một số hiện vật quan trọng trải dài từ Cổ Vương quốc từ (năm 2700–2200 TCN) đến Thời kỳ Hậu nguyên (từ 664 tới 332 TCN).

Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật Ai Cập, ông Sherif Fathy, nhấn mạnh lòng tự hào dân tộc đối với những thành tựu khảo cổ do Ai Cập dẫn đầu, đồng thời đánh giá rằng phát hiện này là “một cột mốc trong việc vén bức màn bí mật về những tầng lớp mới của lịch sử phong phú và cổ xưa của Ai Cập”.
Một trong những yếu tố đáng chú ý nhất của khám phá này là việc khai quật một cánh cửa giả khổng lồ làm bằng đá granit hồng. Đây là cánh cửa lớn nhất từng được phát hiện ở Ai Cập cả về kích thước và vật liệu. Cao 4,5 m và rộng 1,15 m, cánh cửa này được khắc chữ tượng hình ghi chi tiết các tước hiệu của hoàng tử bao gồm “Hoàng tử nối nghiệp”, “Thống đốc Buto và Nekheb”, “Thư ký hoàng gia”, “Tể tướng”, “Thẩm phán” và “Thầy tế”.
Trong số những hiện vật khác được phát hiện có một chiếc bàn dâng lễ bằng đá granit đỏ có đường kính 92,5 cm, khắc danh sách chi tiết về các lễ vật và một bức tượng nam giới cao 1,17 m bằng đá granit đen, có khắc tên và tước hiệu của vua. Bức tượng được cho là có niên đại từ Vương triều thứ 26 của Ai Cập cho thấy ngôi mộ này đã được tái sử dụng vào các thời kỳ sau đó.
Ngoài ra, đoàn chuyên gia khảo cổ Ai Cập cũng tìm thấy 13 bức tượng được chạm khắc từ đá granit.
Bình luận