Hà Nội: Bệnh nhi 4 tuổi loét thực quản vì nuốt phải pin cúc áo (11/03/2025)
VOV1 - Khoa Tiêu hóa – BV Nhi Hà Nội cho biết, đã tiếp nhận và nội soi cấp cứu thành công cho bệnh nhi 4 tuổi, ở Hà Nội do nuốt phải pin cúc áo.

# Trong dự thảo Luật Dân số đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế đề xuất hàng loạt nhóm chính sách, trong đó, Bộ đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ sinh con thứ 2 từ 6 tháng lên 7 tháng nhằm khuyến khích sinh... Theo quy định hiện nay, thời gian hưởng chế độ khi sinh con, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Bộ Y tế cho biết, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023) và 1,91 con/phụ nữ (2024) - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo.

# Liên quan đến các trường hợp sốt, phát ban, 2 ca tử vong tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Quảng Nam khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi... Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh mới được triển khai trong tháng 3/2025, hiện huyện Nam Trà My tiêm được gần 50%.

# Thông tin từ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW) cho biết, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 24 trường hợp nhiễm giun rồng tại 5 tỉnh thành. Đây gần như là một trong những loại giun dài nhất trong cơ thể người, từ 70cm - 120cm. Cùng với đó, 2 tháng đầu năm, tại đây tiếp nhận thăm khám gần 50 bệnh nhân nhiễm các loại sán khác nhau...

# Khoa Tiêu hóa – BV Nhi Hà Nội cho biết, đã tiếp nhận và nội soi cấp cứu thành công cho bệnh nhi 4 tuổi, ở Hà Nội do nuốt phải pin cúc áo. Tại bệnh viện, sau 3 giờ nỗ lực và áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, các bác sĩ đã lấy được dị vật mà không cần can thiệp phẫu thuật mở, giúp bé tránh khỏi nguy cơ thủng thực quản và hồi phục tốt hơn sau can thiệp. Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt cẩn trọng với những đồ vật nhỏ bé nhưng tiềm ẩn nguy cơ lớn này. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu nuốt dị vật, hãy liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.

# Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, khoa Tiêu hóa – Huyết học Lâm sàng của bệnh viện cũng vừa thực hiện gắp dị vật là viên pin tròn, đường kính 2 cm trong thực quản bệnh nhi mới 30 tháng tuổi. Trước đó, bệnh nhi 30 tháng tuổi, ở huyện Đô Lương, Nghệ An nhập viện trong tình trạng quấy khóc, ho sặc, bứt rứt, khó chịu. Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành nội soi đường tiêu hoá, gắp ra dị vật là viên pin tròn, đường kính 2 cm, ghi nhận loét nông niêm mạc thực quản do hóa chất rỉ ra từ viên pin. Hiện tình trạng sức khỏe bệnh nhi, đã ổn định, được xuất viện và tái khám theo lịch hẹn.

# Các bác sĩ Bệnh viện FV vừa cứu sống kịp thời một thai phụ bị xoắn buồng trứng đau bụng dữ dội, nguy cơ hoại tử buồng trứng và sảy thai. Trước đó, nữ bệnh nhân 31 tuổi, sống tại Quận 12, TP.HCM lên cơn đau dữ dội ở vùng chậu trong lúc đang mang thai ở tuần thứ 8. Theo các bác sĩ, xoắn buồng trứng là một cấp cứu phụ khoa, xảy ra khi 1 buồng chứng bị xoắn lại quanh dây chằng giữ buồng trứng tại chỗ. Xoắn buồng trứng hiếm gặp ở thai phụ, các thống kê cho thấy chỉ chiếm 1,6/10.000 ca. Nguyên nhân có thể là trong quá trình mang thai, buồng trứng bị to lên, hormone lúc mang thai gây ra tình trạng tích nước phì đại, các mô nâng đỡ buồng trứng trở nên lỏng lẻo, dễ gây xoắn. Xoắn buồng trứng có nguy cơ làm cho thai phụ sảy thai. Ngoài ra, nếu không phát hiện kịp, buồng trứng có nguy cơ bị hoại tử, làm giảm khả năng mang thai sau này.

# Theo PGS.TS. thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội lao và bệnh phổi Việt Nam, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có nhiều phương pháp để để điều trị, phòng ngừa bệnh phát triển một cách hiệu quả. Đối với phổi tắc nghẽn mãn tính, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng đến mục tiêu điều trị là giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, cải thiện gắng sức, ngăn ngừa và điều trị biến chứng; giảm các đợt tái phát. Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh. Dùng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bỏ thuốc lá, thuốc lào; tránh hít phải khói thuốc, hạn chế tiếp xúc với các loại khói, khí kích thích. Luyện tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận