Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, hay mùa hoa Ban nở khắp núi rừng Tây Bắc, đồng bào Thái Sơn La thường tổ chức Xên lẩu nó, để cảm tạ tổ tiên, thần sông, thần núi và là dịp để tạ ơn công đức của thầy cúng đã chữa bệnh cho mọi người. “Xên” có nghĩa là cúng to; “Lẩu” là rượu; “Nó” là măng, búp chuối non, mía non.
Bà Tòng Thị Chảng, thầy cúng lâu năm ở bản Sàng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã hơn tuổi 70, bà đã từng đi cúng ở rất nhiều nơi cho nhiều người trên địa bàn thành phố Sơn La và các huyện khác của tỉnh Sơn La cho biết: Bà được chính người cha của mình truyền dạy cho bài cúng từ hồi còn trẻ. Và bà cũng đã thấy Lễ hội xên lẩu nó có từ thời cha ông, hàng mấy chục năm rồi. Theo phong tục, lễ hội Xên lẩu nó có thể được tổ chức 3 năm một lần hoặc 5 năm một lần tuỳ thuộc vào điều kiện: Việc tổ chức Xên lẩu nó xuất phát từ ý nguyện của thầy cúng để tạ ơn tổ tiên (Phi một) tức người đã truyền dạy cho mình trở thành thầy cúng và nguyện vọng của những người từng được thầy cúng cúng bái cho mình được khoẻ mạnh như ngày hôm nay.
Trước khi tổ chức Lễ xên lẩu nó, thầy cúng (êm một) sẽ thông tin đến các “con nuôi” -những người từng được thầy cúng cúng cho khỏi bệnh ở khắp các bản trên, mường dưới biết được ngày, giờ tổ chức. Mọi người sẽ chủ động đem một số đồ lễ đến nhà thầy cúng, với tấm lòng biết ơn sâu sắc. Bà Tòng Thị Vinh, ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La cho biết: Trước đây, tôi thường hay ốm đau, cũng đi thăm khám ở một số cơ sở y tế. Theo tâm linh thì các cụ bảo nên cúng bái nữa, nên tôi mới tìm đến thầy cúng (bà Chảng) về làm lễ cho. Vừa uống thuốc theo chỉ dẫn của y bác sĩ, vừa có lễ lạt với tổ tiên, từ đó đến giờ người cũng khoẻ mạnh hơn, tư tưởng thoải mái hơn. Khi có Lễ xên lẩu nó, tôi thu xếp công việc đến nhà thầy cúng (mẹ nuôi) để vừa tạ ơn, vừa được gặp gỡ các con nuôi ở khắp các bản trên mường dưới đến rất đông vui.
Còn thầy cúng sẽ chuẩn bị cỗ bàn nhiều hay ít tuỳ theo số lượng các con nuôi đến tham dự làm lễ cùng chung vui. Đồ lễ gồm 5 chum rượu cần (Lẩu xá); con lợn to để cúng; 02 con gà; cây nêu (Co tao); vải nhuộm chàm, vải đỏ nhiều mầu dệt thổ cẩm để quấn cây nêu từ trên xuống dưới với độ dài cây nêu khoảng 3 mét, xung quanh cây nêu được trang trí bông hoa, hình chim muông sao cho thật lung linh, sắc mầu ( xặng bók); ống tre nứa để múa “tỏng lỏng” quanh cây nêu được sơn mầu xanh, đỏ, tím, vàng. Trước khi cúng, người con nuôi cả sẽ địu sau lưng đầu lợn đã được luộc chín đi quanh mâm cúng vài ba lần để trình báo tổ tiên rồi mới đặt đầu lợn xuống bàn để tiến hành cúng. Bà Tòng Thị Chảng cho biết thêm: Mỗi người mang đến một con gà luộc; 02 quả trứng gà luộc chín, vỏ ngoài nhuộm màu vàng tím, 02 quả trứng này được dùng lạt hay dây xâu lại với nhau; 04 chiếc bánh chưng, con cá nướng; bánh kẹo; một túi vải đựng áo của mỗi thành viên trong gia đình, gọi là (thông xửa). Theo phong tục, sau khi cúng xong, thầy cúng sẽ chia cho mỗi người một nửa con gà mà chính họ mang đến. Tuy nhiên, có người lấy, có người không lấy, có người ở lại ăn cơm, người thì do công việc không ở lại được, tất cả đồ lễ mang đến đây đều để ăn chung.
Khi mâm cúng đã chuẩn bị xong, trước tiên thầy cúng sẽ cúng mời vị thần cao thiên ăn trước (phi mường nưa-Ma mường trời). Sau đó, mới cúng cho linh hồn của người thầy đã trao truyền cho mình để trở thành thầy cúng ( phi một) có gian thờ riêng tại nhà của thầy cúng. Tiếp đến, thầy cúng sẽ lần lượt cúng mời tổ tiên cùng ăn các đồ lễ của từng người con nuôi mang đến và cầu khấn phù hộ, độ chì cho họ, cùng các thành viên trong gia đình, không bị ốm đau, năm mới làm ăn phát đạt... Sau khi hoàn thành một phần lễ, mọi người sẽ tiến hành ăn uống vui vẻ, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất, cùng nhau nhảy múa tưng bừng có thể kéo dài cả ngày đêm với điệu “tỏng lỏng, tăng bẳng”, xoè Thái truyền thống xung quanh cây nêu, ngất ngây bên chum rượu cần, với mong muốn thắt chặt tinh thần đoàn kết cộng đồng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người được mạnh khỏe, hạnh phúc, cuộc sống no ấm, đủ đầy.
Lễ hội Xên lẩu nó được đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và nó trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh mang nhiều ý nghĩa của đồng bào mỗi dịp Tết đến, xuân về./.
(Tòng Đức Anh-VOV Tây Bắc)
Bình luận