Giữ màu di sản
VOV1 - Hưởng ứng Quốc tế Bảo tàng, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức hoạt động trải nghiệm “Giữ màu di sản” - tái hiện không gian trải nghiệm nghệ thuật vẽ sáp ong của đồng bào dân tộc H'Mông vùng cao Yên Bái, thu hút đông đảo du khách tham gia trải nghiệm.

Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của những phụ nữ dân tộc H’Mông, những du khách tham gia buổi trải nghiệm lần đầu tiên được tận tay thể hiện các nét vẽ bằng sáp ong trên tấm vải do chính đồng bào H’Mông ở tỉnh Yến Bái dệt và tự tay nhuộm chàm. Buổi trải nghiệm mang lại cho cả du khách trong nước và quốc tế sự hứng khởi và mới mẻ.

Tôi khá bất ngờ khi được trải nghiệm nghệ thuật vẽ sáp ong trên giấy của đồng bào dân tộc Mông của đất nước các bạn

Em thích tìm hiểu về nghệ thuật, đặ biệt là của đồng bào dân tộc thiểu số. Nên cũng muốn có một lần trải nghiệm các công việc liên quan đến thủ công thì mọi người làm như thế nào. Đây cũng là lần đầu e trải nghiệm nên thích và khá là hào hứng.

Nghệ thuật vẽ sáp ong của đồng bào dân tộc H’Mông nổi tiếng bởi hoa văn trên vải của người Mông không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn mang tính độc bản. Phụ nữ Mông dùng sáp ong có màu vàng và đen được nấu chảy, trộn đều với nhau để tạo hoa văn trên vải. Khi vẽ, họ chấm bút vào sáp ong nóng, kẻ thật khéo những đường nét trên vải để tạo hoa văn. Toàn bộ các khâu đều được thực hiện thủ công, mỗi tấm vải sẽ có hoa văn khác nhau, tùy theo sở thích và sự áng tạo của người vẽ. Đây chính là điểm hấp dẫn du khách khi có cơ hội trải nghiệm nghệ thuật vẽ sáp ong. Chị Lý Thị Ninh, ở Bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái – một phụ nữ H’Mông tham gia hướng dẫn du khách trải nghiệm nghệ thuật vẽ sáp ong chia sẻ: Tôi đã tham gia nhiều dự án, đã đi và dạy cho khách trải nghiệm rất nhiều, đặc biệt khi hướng dẫn du khách nước ngoài tìm hiều nghệ thuật này thì họ rất thích.

Thông qua hoạt động vẽ sáp ong trên vải và nhuộm chàm, người tham gia không chỉ học cách tạo nên những hoa văn độc đáo mà còn được lắng nghe câu chuyện văn hóa, lịch sử và bản sắc của phụ nữ dân tộc H’Mông ở Yên Bái, những người đang hằng ngày nỗ lực gìn giữ các giá trị truyền thống trong thời đại hiện đại hóa.

Chính nhờ những hoạt động trải nghiệm được tổ chức ngày càng nhiều như thế này đã biến các bảo tàng trở thành những không gian văn hóa sống đầy sức hút. Và đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động mà các bảo tàng, tổ chức văn hóa, du lịch đang triển khai, lan tỏa hiệu quả văn hóa, nghệ thuật, nghề truyền thống của đồng báo các dân tộc thiểu số đến với công chúng và bạn bè du khách trong và ngoài nước. Thông qua nhiều dự án ý nghĩa, những nghệ thuật truyền thống như vẽ sáp ong của đồng bào dân tộc H’Mông giờ đây không còn bị giới hạn, bó hẹp trong cộng đồng ít người mà đã được đến gần hơn với đời sống xã hội hiện đại, và những chương trình như thế này đang thực sự tạo sức hút với du khách, đặ biệt là khách quốc tế, đến với bảo tàng.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Cán bộ truyền thông Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: Với những hoạt động trải nghiệm Bảo tàng đã từng tổ chức trước đây thì lần nào cũng thu hút rất đông khách tham gia, không chỉ bạn trẻ Việt Nam mà cả du khách nước ngoài. Khi họ được trực tiếp trải nghiệm thì họ chi biết là họ hiểu hơn về văn hóa đồng bào dân tộc Việt Nam, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó họ thấy yêu văn hóa bản sắc của Việt Nam hơn.

Chị Homma Asuka -một tình nguyện viên người Nhật có tình yêu đặc biệt với văn hóa người Mông và với vùng đất Mù Cang Chải chia sẻ: Tôi đã giúp đưa 100 du khách Nhật đến tìm hiểu văn hóa du lịch Mù Cang Chải. Vì không có thông tin về Mù Cang Chải trên mạng bằng tiếng Nhật nên tôi đã viết bài báo bằng tiếng Nhật về Mù Cang Chải. Mọi người chỉ biết về ruộng bậc thang thôi, nhưng văn hóa đồng bào Mông rất hay, nên nếu được đến tận nơi trải nghiệm văn hóa đó sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.

 Bên cạnh việc bảo tồn và lan tỏa các giá trị truyền thống, một điều ý nghĩa hơn cả là thông qua những hoạt động như thế này đã giúp những người phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm cơ hội mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thông qua phát triển các sản phẩm du lịch gắn với liền giá trị văn hóa bản địa./.

 Vũ Đào/Ban Thời sự VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận