Đối với các Phật tử Hàn Quốc, việc nấu nướng, ăn uống không đơn thuần chỉ là chế biến thực phẩm và thưởng thức hương vị của các món ăn, mà là một hình thức thiền động, giúp nuôi dưỡng cả cơ thể, trí tuệ và tâm hồn của con người.
Đa phần các ngôi đền chùa tại Hàn Quốc đều nằm ở vùng núi, nên nguyên liệu nấu ăn chủ yếu là các loại thảo mộc, rau xanh. Các loại rễ nhân sâm ẩn mình trong lớp đất, những chùm nấm sò nhung hái từ thân cây, những nhánh thông tươi, atiso dại hay hạt bạch quả thơm ngậy. Thực đơn mấu ăm tại những ngôi chùa cũng vì vậy mà thay đổi từng tháng, tùy theo các mùa trong năm. Những mâm cơm tại các đền, chùa Hàn Quốc luôn chú trọng vào việc chế biến các món ăn theo cách lành mạnh, chủ yếu là luộc, hấp, hạn chế các món chiên rán dư thừa dầu mỡ. Triết lý nấu ăn cũng đến từ lời dạy của đức Phật, đó là vượt qua những ham muốn của con người để trở về với sự bình yên, từ đó đi đến giác ngộ. Sư thầy Mann Dang, Giám đốc Cơ quan văn hóa Phật giáo Hàn Quốc, cho biết:
"Ở các nước Đông Bắc Á, đặc biệt là Hàn Quốc, các nhà sư luôn luôn tự nuôi trồng rau và tự nấu nướng cho mình. Điều này tạo nên một truyền thống ẩm thực đặc biệt. Những mâm cơm của các sư thầy và Phật tử tại các đền, chùa Hàn Quốc không chỉ sử dụng rau củ thông thường, mà còn rất chú trọng tới các món ăn lên men, có tác dụng giảm cholesterol Đó là lý do vì sao ẩm thực đền chùa được đánh giá là vừa đồng điệu với thiên nhiên, lại vừa bổ dưỡng cho cơ thể."
Đức Phật cũng dạy rằng, con người cần có lòng từ bi, không sát sinh. Do đó, mâm cơm tại các ngôi đền, chùa Hàn Quốc, cũng giống như ở bao quốc gia khác, đều không sử dụng thịt và các sản phẩm từ động vật, trừ sữa. Đặc biệt, các vị sư không sử dụng hành, hẹ, tỏi, hành lá,... bởi hương vị cay nồng của chúng có thể gây ảnh hưởng tới quá trình thiền định. Theo sư cô Jeong Kwan, việc sử dụng các nguyên liệu giản dị, với đa dạng màu sắc khác nhau được kết hợp hài hòa, tạo nên một món ăn không chỉ đẹp mắt, mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự đồng điệu trong cuộc sống, giữa con người và thiên nhiên.
"Tôi tin rằng nấu nướng có thể giải phóng tinh thần cho chúng ta. Nguyên liệu và cách nấu ăn của mỗi người sẽ nhau, tùy theo các loại năng lượng khác nhau. Điều làm ẩm thực đền chùa Hàn Quốc đặc biệt là vì năng lượng truyền tải qua từng món ăn. Thức ăn là một con đường đi tới giác ngộ, nó không cần quá phức tạp, quá chú trọng vào hương vị, mà nó là đại diện cho sự tương tác giữa các dạng năng lượng. Và năng lượng hòa hợp sẽ đưa chúng ta đi vào thiền định."
Gốc rễ của công thức nấu ăn trong đền chùa Hàn Quốc chính là lòng từ bi. Theo sư cô WooKwan Sunim, người tiên phong trong phong trào ẩm thực đền chùa Hàn Quốc, mỗi người sẽ có nhu cầu khác nhau nên người nấu ăn phải biết cách quan tâm, lắng nghe cơ thể của họ. Ví dụ như những người lớn tuổi cần những món ăn mềm và dễ nhai, còn người trẻ tuổi lại cần thực đơn có tính thanh lọc, thải độc để cân bằng lại với chế độ ăn uống hiện đại hàng ngày quá nhiều gia vị và dầu mỡ.

Ngày nay, những mâm cơm thấm đẫm triết lý thiền định, nhân sinh tại các ngồi đền, chùa Hàn Quốc đang dần trở nên phổ biến hơn, được nhiều người dân tìm hiểu và thực hành hơn. Thậm chí một số địa phương đã mở các lớp học nấu ăn theo thực đơn đặc biệt này, không chỉ để lan tỏa một nét văn hóa truyền thống đặc biệt, mà còn để giúp mỗi người dân có thêm tình yêu thương, sự hòa hợp với thiên nhiên, và bước đi trên con đường giác ngộ. Chị Park Sun-Yong, một học viên tại lớp nấu ăn, chia sẻ:
"Tôi đã học được rất nhiều điều, không chỉ các công thức mới, mà là về từng món ăn. Tôi từng nghĩ các món ăn từ rau củ rất nhạt nhẽo, nhưng giờ tôi mới biết, chúng rất ngon, cảm giác thật nhẹ nhàng, ăn vào thoải mái và tốt cho sức khỏe."
Hiện Cơ quan văn hóa Phật giáo Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy những món ăn độc đáo giàu triết lý nhân sinh tại các ngôi đền, chùa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng dù có phổ biến và nổi tiếng như thế nào, nét văn hóa ẩm thực này vẫn sẽ luôn giữ sự khiêm tốn và giản dị. Không cần đầu bếp nổi tiếng và không cần những nhà hàng sang trọng trong thành phố. Cũng như triết lý của Phật giáo, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi nó giản dị, vì vậy thức ăn cũng chỉ cần những công thức giản dị, đời thường mà thôi./.
Bình luận